Đẩy mạnh liên kết, phát triển sản xuất và phân phối
Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 09/01/2013
Hai bên cùng có lợi
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, cho biết, trong năm 2012 đã có 75 dự án sản xuất, chăn nuôi và phân phối do doanh nghiệp (DN) TP đầu tư hoặc liên kết đầu tư ở các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng (trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi và trồng rau sạch khoảng 1.250 tỷ đồng). Các DN trong chương trình bình ổn thị trường cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với lượng vốn hơn 5.300 tỷ đồng/năm. Điển hình là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn với 7 dự án cung ứng thực phẩm an toàn, nguồn nguyên liệu; Công ty Vissan có 5 dự án chăn nuôi và liên kết chăn nuôi với số vốn khoảng 600 tỷ đồng/năm và tiêu thụ sản phẩm gần 2.400 tỷ đồng/năm; Tổng Công ty Nông nghiệp cung ứng con giống và xây dựng nhà máy chế biến; Saigon Co.op có 5 dự án phát triển hệ thống phân phối, liên kết sản xuất, ứng vốn khoảng 900 tỷ đồng và tiêu thụ khoảng 700 tỷ đồng sản phẩm mỗi năm...
TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm của các tỉnh Đông - Tây Nam bộ.
Qua chương trình hợp tác, các địa phương cũng đã tạo điều kiện cho DN TP phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ. Đến thời điểm này, các DN TP đã đầu tư 62 siêu thị tổng hợp, siêu thị sách và siêu thị điện máy ở các tỉnh Đông - Tây Nam bộ. Riêng trong năm 2012, có 35 dự án xây dựng chợ, siêu thị trung tâm thương mại với tổng vốn gần 750 tỷ đồng. Hiện Saigon Co.op có 21 siêu thị tại 19 trong tổng số 20 tỉnh thành (riêng tỉnh Đồng Tháp chưa có, dự kiến sẽ đầu tư trong năm 2013); Công ty TNHH MTV Thời trang Dệt may Việt Nam (Vinatex) phát triển 17 siêu thị ở 12/20 tỉnh thành…
Gấp rút thực hiện quy hoạch vùng
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, cho biết, chương trình hợp tác đã góp phần đáng kể trong phát triển thương mại, dịch vụ của An Giang, nhờ vậy dù khó khăn nhưng hoạt động thương mại của An Giang vẫn tăng 21% so với năm 2011. Đầu tư của các DN TP đã giúp phát triển chuỗi liên kết sản xuất rau, giúp giảm sự phụ thuộc vào hai sản phẩm chủ lực là lúa và cá hiện đang khó khăn về xuất khẩu. Hiện mô hình trồng đậu bắp giống Nhật mà các DN TP đầu tư đang mang lại cho bà con nông dân thu nhập cao gấp 4 -5 lần so với trước đó…
Tuy nhiên, bà Tuyết cũng cho rằng, vẫn còn nhiều trở ngại khiến việc khai thác ưu thế của các địa phương còn hạn chế. Trở ngại lớn nhất là lợi thế và việc phân định trách nhiệm của từng địa phương chưa rõ ràng. Theo bà Tuyết, cần có các chính sách cụ thể hơn để DN yên tâm hợp tác vì thị trường biến động thường xuyên nên việc đầu tư và bao tiêu sản phẩm khi không có chính sách hỗ trợ nào cũng khiến DN lo ngại. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cũng cho rằng hợp tác chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy đúng tiềm năng, lợi thế.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, qua một năm hoạt động, TP sẽ rút kinh nghiệm để năm 2013 thực hiện tốt hơn. TP đã giao Sở Công thương rà soát và xác định lợi thế của từng tỉnh, thành để có những hợp tác cụ thể, chuyên sâu, trong đó sẽ chú ý hỗ trợ thông tin đào tạo và quảng bá xúc tiến thương mại. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, DN vẫn là nhân tố chính trong liên kết, phải tự vận động, xác định ngành nghề, thế mạnh của mình để đầu tư, còn lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ hỗ trợ, giúp sức để DN thuận lợi trong hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận xét, liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ được thực hiện khá hiệu quả so với những vùng khác. Dù mới qua một năm nhưng các kết quả đã rất rõ ràng, cụ thể. Thứ trưởng cũng cho rằng, điều quan trọng để liên kết hiệu quả là phải quy hoạch vùng, vì vậy Bộ Công thương sẽ lưu ý phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện việc này.