Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần sự tham gia thực chất của người dân

Chính trị - Ngày đăng : 17:05, 08/01/2013

Hôm nay, 8/1, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: TTXVN


Dự và chủ trì hội nghị có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đến nay, cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp hơn với tình hình của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến sâu sắc; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân, góp phần làm cho bản Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lấy ý kiến nhân dân “là công việc hệ trọng, cần sự tham gia thực chất của nhân dân. Do đó, cần triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả, nhất là công tác giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng để thu hút sự tham gia của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và đóng góp một cách thiết thực”.

Tiến độ thực hiện lấy ý kiến nhân dân

Về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Phan Trung Lý đề nghị các tổ chức Đảng, chính quyền, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tổ chức chính trị- xã hội phải đảm bảo yêu cầu tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước tham gia sửa đổi Hiến pháp.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiên túc để hoàn thiện Dự thảo.

Ông Phan Trung Lý đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân quán triệt sâu sắc Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Bản Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng nêu cụ thể các công việc tổ chức, tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo sửa đổi và xây dựng báo cáo của các cơ quan: Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, cơ quan thông tấn báo chí…

Chậm nhất đến ngày 15/3 các báo cáo tổng hợp ý kiến phải được gửi đến các cơ quan chủ trì để tiếp tục tổng hợp.

Chậm nhất đến ngày 31/3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận được báo cáo tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Chậm nhất đến ngày 20/4, Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của Dự thảo, trình Ủy ban dự thảo xem xét, quyết định.

Khẩn trương triển khai

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh việc lấy ý kiến nhân dân là công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong những tháng đầu năm 2013.

Đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý khối lượng công việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân còn rất lớn nên cần phải nhanh chóng thực hiện đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ngay sau hội nghị này, lãnh đạo các cấp, ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình một cách cụ thể, chặt chẽ và khoa học. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong khi tổ chức lấy ý kiến.

Khi lấy ý kiến nhân dân phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng; chỉ đạo chặt chẽ công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh việc khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo, các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức mình.

Nói về công tác tư tưởng, tuyên truyền trong tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh “phải làm cho nhân dân tin tưởng những ý kiến góp ý được trân trọng, được nghiêm túc tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu”.

Bằng mọi khả năng thực tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân có nhiều lựa chọn phương thức thể hiện ý kiến góp ý, như: phát biểu miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua thư góp ý hoặc các phương tiện thông tin khác.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan, tổ chức phát huy cao độ ưu thế của phương thức tuyên truyền miệng, trong đó, báo cáo viên, tuyên truyền viên là lực lượng quan trọng trong việc hướng dẫn, khơi gợi nội dung thảo luận; trực tiếp giải đáp những vấn đề mà nhân dân chưa rõ.

Theo VGP News