Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Quả sầu riêng của trời”
Văn hóa - Ngày đăng : 14:33, 10/05/2004
Sinh năm 1976. Khó có thể nhận ra chị đã là mẹ của một cậu con trai 20 tháng tuổi. Ngoài đời Nguyễn Ngọc Tư hiền và ít nói, chị luôn “xấu hổ” khi thổ lộ với mọi người về việc viết lách của mình. Chị vẫn chưa tin vào khả năng thiên bẩm của ngòi bút mình. Số giải thưởng chị nhận được tính ra còn nhiều hơn thời gian chị thực sự bước chân vào văn chương. Chị là người duy nhất của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được chọn vào 10 gương mặt tiêu biểu của
Chào Ngọc Tư, đây là lần thứ mấy chị ra Hà Nội, cảm nhận của chị về Hà Nội có gì đặc biệt không ?
Lần thứ 3. Một lần ra vào mùa hè, dự trại viết và Hội nghị viết văn trẻ lần thứ V. Lần 2 vào mùa thu, rất đẹp, dự hội nghị viết văn trẻ lần VI. Và lần này ra nhận giải “10 gương mặt tiêu biểu” của Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ của TW Đoàn và là “nhân vật” "Người đương thời” của chị Tạ Bích Loan. Cảm giác của lần này hả? lạnh lắm! Tôi phải mượn áo của một chị bạn vì không mang theo áo ấm.
Chị đã viết được tác phẩm nào cho Hà Nội chưa?
Hình như là chưa! Tôi vẫn quan niệm rằng muốn viết về miền đất nào thì phải thông thuộc mảnh đất đó, chỉ có vài lần ra mình chưa thể biết rõ về Hà Nội bằng những người ở đây, tôi nghĩ nếu viết sẽ bị thất bại. Những cảm nhận đơn thuần thì hình như ai từ xa đến Hà Nội cũng nghĩ giống nhau nên tôi không muốn lặp lại nữa.
Chị đến với văn chương rất tình cờ, như là một sự bộc phát, nhưng đến bây giờ, có lẽ tay bút của chị đã thực sự có nghề rồi chứ?
Lúc viết tôi thường để ý đến nội dung câu chuyện định viết, và có một ý nghĩ rằng phải để cho các câu truyện gắn bó từ đầu đến cuối, không biết cái đó có phải là một phần của kỹ thuật không.
Viết truyện ngắn, cái gì là khó nhất đối với chị?
Tôi sợ viết phần vào đầu, bởi vì lối viết truyện của tôi phần vào đầu rất quan trọng, diễn biến toàn bộ câu chuyện hoàn toàn ảnh hưởng và bị chi phối ở cái phần mào đầu ấy. Đặc biệt tôi thích viết kết và muốn sáng tạo, thêm hay dừng ở đâu cũng được.
Chị muốn có một cái kết truyện như thế nào?
Lúc mới viết truyện tôi thường thích những cái kết có hậu. Sau này tôi thấy rằng những cái kết không có hậu hoặc bỏ lửng thường để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả và buộc họ phải suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau, điều đó sẽ làm họ nhớ những câu chuyện của mình lâu hơn.
Cho đến bây giờ chị đã gặt hái được khá nhiều thành công so với tuổi nghề, chị có bao giờ nghĩ, nếu quay ngược được thời gian, chị sẽ đi viết văn sớm hơn ?
Trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, mình đơn thuần là một cô gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm. Đến bây giờ tôi vẫn làm việc ấy mặc dù không thường xuyên. Tôi vẫn không nghĩ mình đã là nhà này, nhà nọ, cũng như biết đâu sẽ đến một lúc nào đó tôi sẽ không viết văn được nữa thì sao. Đôi lúc tôi ví văn của mình như một quả sầu riêng (tôi rất muốn làm một quả sầu riêng) người thích thì nói thơm còn người không thích thì chê thối. Nhưng trời đã cho vậy thì biết làm sao.
Chị tin vào sự may rủi của số phận ?
Tôi tin vì tôi là một người may mắn. Viết ngay truyện ngắn đầu tiên đã được in ở Tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Điều đó làm tôi cảm thấy tự tin hơn. Sau này khi tham gia cuộc thi "Văn học tuổi 20" của NXB Trẻ và được giải nhất, đó là một niềm vui lớn bất ngờ mà lúc tham dự tôi không bao giờ nghĩ tới. Tôi là một cây bút có thế nào viết thế ấy, nghĩ sao viết vậy. Có lẽ vì sự hồn nhiên đó mà Ban giám khảo cũng như người đọc dành cho sự ưu ái chăng!
Chị sẽ giữ mãi nét hồn nhiên ấy cho văn phong của mình chứ?
Tôi cũng không chắc lắm vào điều đó, tôi nghĩ văn chương phải tự nhiên mới dễ đi vào lòng người, mình nêm gia vị nhiều quá sẽ trở nên giả tạo, mà văn chương giả tạo thì nhận ra ngay. Có lẽ văn phong của tôi cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Bây giờ đọc lại tập "Ngọn đèn không tắt" của mình tôi còn suýt xoa rằng không hiểu sao ngày xưa mình lại viết hồn nhiên được đến thế!
Tập truyện “mới tinh” của chị có tên là gì?
“Nước chảy mây trôi”, in ở NXB Văn Nghệ TP HCM. Thực ra đây là tập nửa truyện, nửa bút ký, mới “ra lò” được hai hôm nay. Tôi thích viết bút ký, vì đó là những điều có thật trong gia đình tôi và tôi viết bằng tất cả cảm xúc của mình.
Theo “quy luật” thường thường các cây bút trẻ khi đã có một vị trí chắc tay ở thể loại truyện ngắn, họ sẽ viết tiểu thuyết. Còn chị, bao giờ cho độc giả đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay?
Chắc còn lâu lắm. Tôi luôn nghĩ viết tiểu thuyết không đơn giản chút nào. Phải có một sự tích lũy nhất định nào đó thì cuốn tiểu thuyết ấy mới đứng lại trong lòng người được.Tôi vẫn đang cố gắng đọc, học hỏi, thu nạp để không bị lùi xa bạn bè quá vì thực sự ở Bán đảo chúng tôi nguồn sách cực kỳ hiếm. Đó cũng là một sự thiệt thòi lớn.
Chị đang có bên mình mọi thứ : gia đình yên ấm, tác phẩm in đều đặn, giải thưởng thì ở đâu cũng có tên, chị có nghĩ suôn sẻ quá cũng... tẻ nhạt không?
Nếu phải hy sinh gia đình vì văn chương thì mình thấy không đáng. Mình vui sướng vô cùng vì có một truyện ngắn được độc giả yêu mến, nhưng cũng hạnh phúc không kém khi nghe một tiếng gọi mẹ của đứa con trai, hay một lời an ủi động viên của chồng. Mình viết văn mọi lúc mọi nơi, bất cứ lúc nào có cảm hứng và thời gian rỗi nhưng vẫn không quên thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình.
Cảm ơn Ngọc Tư!
Trần Hoàng Thiên Kim
(Thực hiện)