Việc bình thường, hiệu quả khác thường

Công nghệ - Ngày đăng : 07:13, 07/01/2013

(HNM) - Trong khi chi phí kháng sinh cho bệnh nhân phẫu thuật tim thường lên tới hàng chục triệu đồng, cá biệt có trường hợp lên đến hàng trăm triệu thì từ tháng 4-2012 đến nay, lần đầu tiên ở miền Bắc, Khoa C8, Viện Tim mạch quốc gia đã triển khai loại hình phẫu thuật không kháng sinh, với chi phí giảm mạnh, thành công ở 100% ca.

Đến Khoa C8, Viện Tim mạch quốc gia (thuộc bệnh viện hạng đặc biệt Bạch Mai), những người nghĩ "bệnh viện bẩn" sẽ thay đổi thái độ. Các phòng bệnh sạch sẽ, ngay cả nhà vệ sinh cũng rất sạch. TS Dương Đức Hùng kể rằng, trước khi triển khai phẫu thuật không kháng sinh, cán bộ nhân viên của khoa đã dành hẳn 2 tuần chỉ để làm một việc là… bê hết giường chiếu ra rồi dọn vệ sinh. "Chúng tôi dùng nước lau sàn, nước khử trùng toilet… Tất cả xắn tay dọn dẹp, sơn, sửa suốt 2 tuần lễ. Rất khó duy trì sự sạch sẽ lâu dài nếu phía sử dụng thiếu ý thức. Thế nên, yêu cầu là phải dọn sạch đến nỗi người ta tự thấy mình không thể làm bẩn nó".


Các y, bác sỹ thực hiện một ca phẫu thuật tim cho người bệnh.Ảnh: Hải Anh

Theo tính toán, trung bình một ca phẫu thuật tim trước đây (sử dụng kháng sinh dự phòng, bao vây), chi phí cho kháng sinh lên tới tiền triệu, chục triệu đồng. Có những trường hợp nhiễm trùng, viện phí 300-400 triệu đồng thì tiền kháng sinh đã chiếm 2/3. Tốn tiền đã đành, điều đáng lo là tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng, cứ ra kháng sinh mới được vài năm lại xuất hiện bệnh nhân không "chịu" thuốc đó nữa.

Trong khó khăn ấy lóe lên ý tưởng cải cách khâu vệ sinh nhằm giảm nhiễm trùng bệnh viện, cơ sở để tiến hành phẫu thuật không kháng sinh. Theo TS Dương Đức Hùng, đó là việc bình thường nhưng tạo hiệu quả đặc biệt cho bệnh nhân, những người đang phải đối diện với gánh nặng chi phí sau khi khung giá dịch vụ y tế mới vừa tăng đáng kể.

Dám nghĩ, dám làm

Sau gần một năm triển khai loại hình phẫu thuật không kháng sinh, TS Dương Đức Hùng cho biết, việc thành công là nhờ có sự ủng hộ của Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhất là Giám đốc - TS Nguyễn Quốc Anh và sự đồng lòng của cán bộ, nhân viên trong khoa. Phương châm của khoa là tự chủ, năng động, lấy kết quả tốt để thuyết phục mọi người. Để phòng bệnh sạch, mọi người đã tự đầu tư phin lọc không khí ở các vị trí có điều hòa nhiệt độ. Nhờ sự cố gắng chung mà từ tháng 4-2012 đến nay, mỗi bệnh nhân ở C8 chỉ phải sử dụng 4g kháng sinh dự phòng khi phẫu thuật, còn sau đó hoàn toàn không phải dùng nữa, kết quả rất tốt. Hơn nữa, loại được sử dụng là kháng sinh thế hệ 1, sản xuất trong nước, giá thành rất rẻ, giúp bệnh nhân không phải chi 5-7 triệu, có khi tới hàng trăm triệu đồng tiền kháng sinh như trước.

Khi chuyển về Viện Tim mạch quốc gia, TS Dương Đức Hùng hứa sẽ "phất cờ C8" chứ không để đơn vị giậm chân tại chỗ. Mới hơn một năm "cầm cờ", ông và đồng sự đã chứng minh họ không nói suông khi triển khai thành công một quy trình phẫu thuật - chăm sóc chuẩn. Đầu tháng 12-2012, khi tiễn bệnh nhân người Nhật Bản, ông Singo Gose - cố vấn trưởng dự án hỗ trợ giao thông của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - điều trị thành công bệnh lý lóc tách động mạch chủ ngực, bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên đến 70% kể cả khi được cấp cứu kịp thời (ca phẫu thuật do TS Hùng chủ trì), đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hết lời khen ngợi trình độ chuyên môn của cán bộ y tế nước ta.

"Những việc bình thường" ở C8 là cơ sở để hy vọng bệnh viện Việt Nam sẽ có chất lượng điều trị ngang với nước ngoài ở những bệnh lý có tỷ lệ mắc và tử vong cao, hạn chế tối đa tình trạng kháng kháng sinh, bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bệnh nhân.

Hồng Hà