Luật Công chứng ở Hà Nội: Chất lượng không theo kịp số lượng

Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 05/01/2013

(HNM) - Giao dịch thuận tiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu nên số người tìm đến các cơ sở hoạt động công chứng ngày một nhiều hơn là một thành công của Hà Nội sau 5 năm thi hành Luật Công chứng.

Người dân làm thủ tục công chứng tại Văn phòng Công chứng Hà Nội. Ảnh: Trọng Hải


Cảnh báo "cạnh tranh không lành mạnh"

Theo UBND TP Hà Nội, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây. Nếu như năm 2007 toàn thành phố mới có 9 tổ chức hành nghề công chứng, năm 2010 có 50 tổ chức thì đến năm 2012 con số này đã là 96 tổ chức. Trong đó có 10 phòng công chứng, 86 văn phòng công chứng với 282 công chứng viên đang hành nghề. Phát triển nhanh về số lượng, trải đều trên địa bàn nên các tổ chức hành nghề công chứng đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn khi công chứng, nhất là người dân tại các huyện, nơi trước đây không có tổ chức hành nghề công chứng.

Hướng tới hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, các phòng công chứng đã chủ động rà soát, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Các giấy tờ, quy trình giải quyết cũng như phí, thù lao đối với từng loại việc được niêm yết công khai. Nhờ vậy, một khối lượng lớn hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, phục vụ nhu cầu của tổ chức và cá nhân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Cụ thể, 5 năm qua, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 825 nghìn hợp đồng, thu được 538 tỷ đồng tiền lệ phí và thù lao, nộp ngân sách 120 tỷ đồng.

Không phủ nhận những kết quả đạt được, song chính những người trong cuộc cũng đang lo lắng về những hạn chế, yếu kém đang phát sinh trong các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay. Đó là trình độ công chứng viên chưa đồng đều, một số còn hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, thiếu thận trọng trong tra cứu thông tin, dữ liệu phục vụ giải quyết hồ sơ, chưa giải thích rõ quyền và nghĩa vụ cũng như hậu quả pháp lý cho người yêu cầu công chứng khiến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây tổn hại đến uy tín của cá nhân và tổ chức hành nghề công chứng.

Chủ tịch Hội Công chứng Hà Nội Chu Văn Khanh cảnh báo, hiện số lượng các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên lớn nhưng nhu cầu về hợp đồng, giao dịch đang giảm đi nhiều đã dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là ở các văn phòng công chứng. Điều này làm cho giá trị của nghề công chứng cũng như hình ảnh của công chứng viên bị ảnh hưởng và nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ có lúc công chứng bị phụ thuộc vào khách hàng.

"Siết chặt" tiêu chuẩn công chứng viên

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Công chứng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thừa nhận, Hà Nội có bước phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Vì vậy, thời gian tới, TP Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp sớm trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng. Trong đó bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng; khắc phục tình trạng bổ nhiệm công chứng viên và thành lập văn phòng công chứng tương đối "thoáng" như hiện nay. Đồng thời thành lập quỹ bảo đảm hành nghề công chứng, bổ sung chế tài xử phạt và nâng mức xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, xét thấy chất lượng của công chứng viên là yếu tố quan trọng nhất, là trung tâm của hoạt động công chứng, Hà Nội đề xuất cần siết chặt các tiêu chuẩn đối với công chứng viên. Quy định chặt chẽ điều kiện miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên trong thời gian tới. Nếu công chứng viên nào sai phạm thì người đó hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những hành vi mà mình đã gây ra.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đề nghị khắc phục hạn chế trong các quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều nội dung chưa cụ thể, gây khó khăn trong thực tế. Hiện một số quy định về công chứng liên quan tới Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất dẫn đến người áp dụng lúng túng, có những cách hiểu và thực hiện khác nhau.

Có thể thấy, sau 5 năm triển khai Luật Công chứng, đã đến lúc cần chỉnh sửa, bổ sung để các quy định của pháp luật về công chứng ngày một hoàn thiện. Những đề xuất xuất phát từ thực tiễn của Hà Nội - đơn vị đầu tiên trong cả nước thành lập Hội Công chứng cần được xem xét thỏa đáng, khách quan.

Đà Đông