Nước thật

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 05/01/2013

(HNM) - Nậm Tè là



Phụ nữ La Hủ đi chợ Mường Tè.

Năm 2000, Mường Tè còn thuộc đất Lai Châu cũ. Tôi đáp thuyền khách 42 nghìn đồng từ cảng Pô Lếch gần huyện lỵ, ngược 42km lên Pác Ma giáp ngọn nguồn biên giới, hiểu được sao Tây xưa gọi sông Đà là “sông Đen”. Có 5 thác Hát Vá, Lò Xa, Nậm Luồng, Cảnh Mớ, Nậm Hẳn, và 11 ghềnh, nước hắt bóng núi xuống thẳm thằm thăm, thò chân xuống dễ lạnh tuột da. Thuyền đuôi én treo lồng gà trống báo sáng và hình ảnh thật của câu “Đệ nhất Lai Châu măng đắng tắm truồng” cứ lai láng. Lại nghe câu thần thoại Hà Nhì về nết sông. Vua trời sai hai con trai đem nước về trần gian đang đại hạn. Gì Ma, tức sông Đà, chăm chỉ đi trước mở đường, đêm xuống ngủ thiếp đi. Hà Sa, tức sông Hồng, lười lĩnh và láu cá, đi sau nuốt đường của em, về xuôi trước. Gì Ma tỉnh dậy giận dữ, cứ gầm gào đục xuyên núi đá như điên cuồng. Chỗ hai con sông gặp nhau lấy ống bương múc nước lên, hai dòng bên trong đánh nhau vỡ ống bương.

Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh


Mường Lễ tức Lai Châu, còn cách Mường Tè cả trăm cây nữa. Sổ tay phóng viên hồi ấy ghi: Huyện rộng gấp đôi tỉnh Thái Bình, có 120km sông Đà chảy qua. Một cây số vuông có 6,8 người, tỷ lệ đói nghèo 38%. Huyện lỵ chạy máy phát điện từ 17 đến 23h, đường trải nhựa mỗi đoạn ủy ban, có lẽ là thị trấn đìu hiu nhất nước. Ngoài người Thái chiếm giữ những cánh đồng phì nhiêu nơi cửa suối, các tộc người khác đều cắm hẻo hút. La Hủ còn gọi Khu Sung (thống khổ), Mảng là Xá Mạ (ngựa ma), Hà Nhì là U Ni (tăm tối), những cái tên gợi khổ ải. Du canh du cư, nơi nào quả ớt bớt cay là nhổ cọc, nhiều người chưa quá bốn mươi đã không thể nhớ hết những gộp đá đã che thân. Đơn độc giữa đất trời dông gió, vợ chồng lại gần máu nhau quá, họ có cơ thoái hóa. Đến nỗi mà tỉnh phải làm gấp một chương trình ghi lại tập tục dân gian, kẻo sau chẳng còn gì để nghiên cứu.

Chuyến đi sông Đà ấy để lại hậu quả tệ hại: chả bao giờ có được cảm giác mạnh khi gặp những con sông sau đó.

*

*          *

Mường Tè xã, thường gọi thế để phân biệt với Mường Tè huyện, có lẽ là vùng đất “địa linh nhân kiệt” - như người xuôi nói - của vùng. Đây lắm người chăm học giỏi giang, thời Tây có chánh tổng châu đoàn, thời ta chi chít cán bộ. Nằm bên dòng Nậm Tè mát mẻ, cánh đồng rộng rãi chỗ một vụ, chỗ hai vụ tốt bời bời, hẳn hiếm khi dân thiếu gạo. Và cá và tôm, quăng chài lên bỏ lại con nhỏ cũng đủ ăn cả tuần, pà khé (cá chiên), pà chưng (cá lăng) nặng vài yến kéo sã tay. Lại đặt những “chặng” lưới dọc dòng chảy, nơm đầy rồi cá nhảy như sao sa. Nhưng đấy là trước thôi, giờ đánh mìn, có mà…

Giờ Mường Tè huyện có mật độ dân số 14 người/km2, chỉ còn xã Văn Sang ô tô chưa đến nơi. Con đường mở từ thị trấn lên Pác Ma thông vài năm nay, đem lại sự thay đổi lớn. Người La Hủ không làm thương nghiệp, căn quán duy nhất của người Kinh, đám trẻ kiếm bông chít làm chổi chắc để bán cho nhà này. Bản Cống Khao vẳng tiếng hát hồn nhiên, bài “Gà gáy” nổi tiếng. Chợ xã Mường Tè mọc trên bản Nậm Củm, đàn bà La Hủ dưới quần trên váy áo mải mê chọn vòng tay, xà tích. Karaoke có năm quán, thanh niên miệng hát tay bấm nhắn tin. “Phong trào” ca hát lên có lẽ một phần là do những người như Đoàn Minh Tuấn. Bài “Anh về quê em” của ông thầy giáo trẻ dạy nhạc này nhắc nhiều tên đất tên suối, áo cóm tính tẩu, hay trình diễn trong buổi bản có việc. Cô vợ là Hương dạy mầm non, trông mảnh mai mà đã từng mang con cắm bản ở Mù Cả “đêm nghe thú kêu sợ rợn người”. Lên năm 2005, làm bánh rán, bán tạp phẩm, quần áo, mở karaoke thì cháy mất, giờ vợ chồng lương có 13 triệu một tháng, khá chật vật. “Họ thấy cô giáo lên thì mừng lắm. Thương trẻ con nên chúng em không nỡ về xuôi”, Hương nói, và khoe đặt tên con là Tuấn Khanh vì thích ông nhạc sĩ này.

Mường Tè xã vốn là thủ phủ châu Tè, cắm đồn lính Thái của vua họ Đèo, quan hai Pháp chỉ huy. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ học luật ở Pháp về nhưng chả ưa làm dân thuộc địa, năm 1950-1951 bị chính quyền thực dân đưa lên đây an trí. Sáu tháng sống ở Bản Giẳng của người Dáy, trong một căn lán cách ly, ông vẫn thấy mình trong lòng dân. Thế nên cuộc trở về chốn cũ năm 1993 thật chộn rộn. Gặp lại Trưởng bản Lý Văn Màn, hai bà Lý Thị Pha, Lý Thị On, những người chăm sóc mình, luật sư xúc động: “Dân bản đã bảo vệ cuộc sống của tôi lúc gặp khó khăn nhất, đã tiếp sức mạnh cho tôi để làm cách mạng, tôi không bao giờ phụ lòng bà con. Nếu không gặp lại bà con dân bản để cảm ơn, tạ ơn thì tôi sẽ ân hận suốt đời”.

Nhà di tích có tấm bia kỷ niệm người đứng đầu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam giờ làm giữa bản Giẳng, ngày hội ngày tết dân xuống Nậm Tè làm “lễ” gội đầu rồi lên đây múa xòe, tiếng trống rộn rã một vùng sông nước.

*

*       *

Là vùng đất gốc, trung tâm của người Thái trong vùng, Mường Tè xã lại đang có chỗ nhấp nhổm. Thủy điện Lai Châu 1200 mê đang mọc ở Nậm Hàng mé dưới, khi ngăn đập sẽ hủm nhiều nơi. Chợ trung tâm có đường ô tô, cầu Nậm Củm, những cánh đồng rộng rãi ven sông chìm trong nước cả. Trong hơn 800 hộ có hơn 500 hộ phải lên đồi cao, nghĩa là động chạm cực lớn. May là họ chỉ phải di vén, vẫn còn con sông cánh rừng quen thuộc chứ không như khu tái định cư đằng Than Uyên; nước làm ruộng không có thì điện đường trường trạm làm gì!

Nhưng dẫu sao chuyển dời là chuyện không thể nhỏ trong đời người. 115 hộ bản Mường Tè sẽ mất hết ruộng dưới, hy vọng còn ruộng một vụ trên cao, rồi phải khai hoang thôi. Tôi ngồi giữa chợ xã nghe lao xao nếu trên áp giá đền bù của năm 2005 thì không đủ tiền làm nhà. Mỗi hộ được 300m2, vườn và nhà co kéo nhau từng mét một, chưa tính chỗ cho cái ao. Trưởng ban Văn hóa Lò Văn Mùm bảo chả biết nhà mặt đường có được tính giá khác không. Một bà góa ngồi im không “tham góp” gì cả; hộ nghèo thì có gì mà phải lo! Cũng không phải lo là đám La Hủ hằng sống mãi lưng núi.

Vậy là một cuộc nhổ gốc trốc rễ rồi. Hủm đi ruộng nước, chỗ cắm được cây sắn, hủm chuồng trâu, mái bếp, cái sàn ta thường lượn khắp, cha ta xưa chọc chỗ mẹ ta nằm. Ý nghĩ ấy xui tôi tìm những người già cả nghe chuyện xưa, kẻo mà rồi đây, dưới ánh điện (nếu có), thanh niên chỉ mải mê “tiến kịp miền xuôi” mà phai đi bản sắc.

Hóa ra tộc Thái trắng Mường Tè có gốc gác, nề nếp sinh hoạt, canh tác khác nơi tôi hằng biết. Người Thái đen có tích hai anh em từ Vân Nam xuôi xuống bị lạc nhau, một nhánh sang Thái Lan cắm lại, nhánh sang Nghĩa Lộ, Điện Biên tạo nên cánh đồng Mường Lò, Mường Thanh lớn nhất Tây Bắc. Còn bên này, trên nguồn Nậm Tè, các cuộc di dân có vẻ lẻ tẻ, tản mác hơn, nhưng cũng đều từ Síp Soong Ba Na cả.

Ông Tống Văn Sơ, 68 tuổi, vào loại nhiều chữ nhất xã, có lẽ lo lắng cho những gì đang mai một, soạn mươi trang “Họ Tống ở xã Mường Tè”. Như một thứ gia phả, bản văn “chép theo lời kể các cụ” này mộc mạc nhưng rất có giá trị, nhiều đoạn gợi cảm. Đấy không phải chỉ là lịch sử một dòng họ, mà còn cho thấy những đổi dời vật vã của bao cộng đồng lớn nhỏ, để cuối cùng ổn định bên dòng Nước Thật.

Ghi rằng: thời Mường Hán (?) vùng Vân Nam giặc giã loạn lạc liên miên, người Thái cứ theo Nậm Tè xuôi xuống. Quãng thế kỷ XV, hai anh em nhà tạo là Tống Pộ, Tống Mấn từ huyện Lục Xuân đi săn, theo con tê giác đến đoạn sông này thấy cánh đồng rộng, tươi tốt, muốn dời sang ở. Sau tết bầu đoàn di sang, đến bản Mường Tè bị tạo họ Đao đuổi đi. Đương lúng túng thì ban đêm nghe bên kia sông có tiếng gà, sáng ra anh em đóng bè vượt sang gặp người họ Lò, cắm lại được. Rồi phân đàn, đẻ nhánh, di tiếp đến những nậm, những bản khác. Có nơi cho ở lại. Nơi bị người cũ đuổi đi, họ khấn “khi nào đá Hin Nghek tan thành vôi, quả chanh ngọt như đường mới quay lại chỗ (không hiếu khách) này”.

Rằng họ Tống đến cửa suối chảy ra sông Đà thấy chó sủa cá inh tai, thò tay xuống bắt được con chiên con lăng, bèn reo lên “Khủm chồi!”, tức là “Đủ rồi, sung túc rồi!”. Tên suối Nậm Khủm (Củm) đặt từ đó. Anh em Tống Pộ, Tống Mấn người lấy vợ Hà Nhì, người làm rể họ Lò người Thái, con cháu sinh ra đều ở ven sông suối, cấy ruộng nước có bậc. Sản vật gạo, cá, thịt rừng kiếm ra, họ đóng bè ngược lên Mường Leo, Mường Le bên Vân Nam đổi lấy muối tảng, đường, chum vại, chè, vải vóc. Cũng có lúc xuôi xuống tận Chợ Bờ Hòa Bình nhưng bị tạo Mường dưới ấy đuổi. Quá trình tìm đất cắm dùi để con cháu sau này yên ổn chắc chắn nhiều tình nghĩa nhưng cũng không ít máu và nước mắt. Ổn định rồi, dần dần họ sung túc với vườn trên ao dưới, những nghi lễ cúng tế, thờ phụng, cưới xin ma chay, điệu xòe câu khắp lúc nghiêm trang khi tình tứ. Một vùng văn hóa sông nước mọc lên hòa vào những bản sắc Mông, Thái khác của Tây Bắc.

*

*         *

Chiều đang xuống. Bên kia sông Đà nắng cuối ngày sáng chói những đỉnh núi hồi nào còn là đại ngàn. Một vệt trắng thần thoại đu đưa lưng chừng. Hoa lau đấy. Không thể tưởng tượng nổi cánh đồng hoang dại ấy dài rộng bao nhiêu, đang rầm rì câu gì. Và hoa chó đẻ. Dọc đường, ven sông suối, leo đến chân cột chuồng trâu đâu đâu cũng ngàn ngạt tím, ong ăn xong cho ra thứ mật ngon nhất của năm. Cái tên ai đặt ra thật tầm thường, để lót ổ con chó sinh nở hay có tích nào khác, chả biết. Phổ biến nhưng quá bình dị, chả ai lấy nó làm biểu tượng cho một vùng đất nào, như cúc quỳ của Tây Nguyên, trạng nguyên của Sơn La. Nhưng chó đẻ cứ thủy chung bên con người, báo hiệu đất mầu bên dưới, làm vị chữa bệnh thông thường. Và loài hoa trắng thơm hăng hắc cứ vướng vít ống quần, dưới xuôi gọi là xuyến chi, đề tài cho một bài thơ hay của Trúc Thông.

Còn bao loài hương sắc mà không tên làm tôi mê mải. Nay mai đập thủy điện Lai Châu xong, bấy nhiêu ghềnh thác hủm cả, nước Nậm Tè đã bị thuần hóa không hùng hục như anh chàng Gì Sa mộc mạc, nghĩa là không còn “thật” nữa. Bấy giờ sẽ chỉ còn loài hoa “thật” này, thế chăng?
12-2012

Hoàng Định