Năm 2012: Thanh tra kiến nghị thu hồi về NSNN 29.860 tỷ đồng
Chính trị - Ngày đăng : 14:26, 04/01/2013
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Nguồn: TTXVN) |
Năm 2012, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội và 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của 527.544 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 13.085 tỷ đồng (đã thu 15.346 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 35,73%; 1.275 ha đất, đạt tỷ lệ 83,17%); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 31.130 tỷ đồng (đã xử lý 21.549 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 69,22%); kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 59 vụ việc, 104 người.
Đáng chú ý, riêng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, các cơ quan chức năng đã tiến hành 878 cuộc thanh tra, kiến nghị thu hồi 13.346,6 tỷ đồng, 1.530 ha đất, kiến nghị xử lý khác 783,2 tỷ đồng (đã thu hồi 683,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,1%; 1.275ha đạt tỷ lệ trên 95%); kiến nghị xử lý hành chính 170 tập thể, 209 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 26 vụ, 28 người.
Báo cáo tại Hội nghị do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho thấy, công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương còn buông lỏng, để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm như: quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định.
Đặc biệt, năm 2012, Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra và chỉ đạo triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng việc thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Toàn quốc đã triển khai 542 đoàn thanh tra, qua thanh tra, các địa phương đã kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 97 tỷ đồng; giảm trừ quyết toán 44,3 tỷ đồng; xử lý khác 17 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 263 tập thể; với 200 cá nhân; chấn chỉnh quản lý đối với 282 đơn vị. Các thiếu sót, vi phạm cơ quan thanh tra phát hiện chủ yếu là xác định số lượng phòng học không đúng với mục tiêu, tiêu chí của đề án; phê duyệt dự toán sai khối lượng; quyết toán thừa khối lượng; thanh toán sai đơn giá vật liệu, sai chủng loại vật liệu, tính sai số lượng cấu kiện, chi phí lưu thông, khối lượng phát sinh không có ký nhận của thiết kế kỹ thuật, hồ sơ phát sinh không được điều chỉnh phê duyệt; một số công trình xây dựng không theo thiết kế mẫu quy định; việc xây dựng các công trình phòng học và nhà công vụ cho giáo viên chưa đúng với số lượng, cấp học, diện tích đã được phê duyệt; một số điểm trường được đầu tư không đúng mục tiêu.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, toàn ngành đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104.592 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 104.592 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong bối cảnh chung của cả nước, nhiệm vụ của ngành Thanh tra rất nặng nề, nhất là trong việc phát hiện, phòng ngừa vi phạm, giải quyết ổn thỏa tình hình khiếu nại, tố cáo và tích cực phòng, chống tham nhũng. Nhưng bằng sự đoàn kết, nhất trí, không ngừng phấn đấu vươn lên, toàn Ngành thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho. Ngành đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm tăng cường thanh tra trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; quyết liệt tập trung, rà soát giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Thanh tra Chính phủ và thể chế của ngành.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng lưu ý công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo hiệu quả chưa đạt yêu cầu đề ra và chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Đồng chí mong muốn bước sang năm 2013, công tác thanh tra tiếp tục được đẩy mạnh, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng những lĩnh vực có nguy cơ sai phạm để ngăn ngừa các vi phạm. Trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tập trung quyết liệt và nâng cao trách nhiệm để giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đồng thời đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...