Tình trạng thất nghiệp tại Pháp: Nan giải đầu năm mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:14, 04/01/2013

(HNM) - Dù đã điều động tới 53.000 cảnh sát và hiến binh trên khắp đất nước để bảo đảm an ninh tại các khu vực trung tâm và đại lộ lớn, song nước Pháp vẫn phải trải qua một đêm giao thừa


Giới trẻ Pháp đón năm mới trong nỗi lo thất nghiệp.

Trong thông báo trước thềm năm mới của Bộ Lao động Pháp, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã liên tục tăng trong suốt 18 tháng qua và đã vượt ngưỡng 3 triệu người - mức cao nhất kể từ năm 1997. Nếu tính cả các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài, số lượng người Pháp thất nghiệp có thể lên tới trên 4 triệu người. Bên cạnh đó, còn phải kể đến hơn 5 triệu lao động tuy có việc làm nhưng số giờ làm việc thấp và đồng lương không đủ sống. Đây là lý do khiến cho diễn văn chào mừng năm mới của Tổng thống Pháp Francois Hollande phát trên truyền hình và đài phát thanh tối 31-12-2012 trở thành bài diễn thuyết bày tỏ quyết tâm của ông chủ Điện Elysée nhằm "đảo ngược xu thế thất nghiệp trong vòng một năm bằng bất cứ giá nào".

Có thể cam kết mạnh mẽ của Tổng thống F.Hollande đã mang lại cho nước Pháp chút hy vọng chợt lóe vào đầu năm mới trong bối cảnh bức tranh kinh tế vẫn vô cùng ảm đạm; song, để thực hiện lời hứa, vị "Tổng thống bình dân" phải giải được hàng loạt bài toán vô cùng hóc búa.

Hiện tại, trung bình, mỗi năm ở Pháp lại có thêm khoảng 800 nghìn bạn trẻ gia nhập đội ngũ lao động và 650 nghìn người đến tuổi về hưu. Như vậy, đội ngũ dân số trong tuổi lao động tăng thêm 150 nghìn người. Để giải quyết việc làm cho số này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp cần tăng tối thiểu là 1,5%. Tuy nhiên, năm vừa qua, nền kinh tế lớn thứ nhì của Liên minh Châu Âu (EU) chỉ tăng vỏn vẹn 0,3% - thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 1,5%.

Tương tự nhiều quốc gia khác đang ngập trong cuộc khủng hoảng nợ công, tỷ lệ thất nghiệp liên tục phi mã là hậu quả của chính sách cắt giảm chi tiêu mà nhiều thành viên của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang áp dụng. Và đúng như dự báo về một phản ứng dây chuyền, "thắt lưng buộc bụng" dẫn tới giảm phát, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, hàng loạt doanh nghiệp và công ty lớn đã tạm ngưng hợp tác với những nhân viên lao động hợp đồng có thời hạn. Tệ hơn nữa là ngay cả những người làm việc theo hợp đồng vô hạn định cũng bị đe dọa khi công ty làm ăn thua lỗ.

Điều đáng nói là, không giống với tinh thần lạc quan của Tổng thống F.Hollande, tất cả các công trình nghiên cứu, các chuyên gia đều cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Pháp sẽ còn tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, đa số người dân Pháp đánh giá thấp quyết tâm giải quyết thất nghiệp của nội các của Thủ tướng Jean Marc Ayrault. Vì hiện tại, biện pháp được cho là có khả năng mang lại thay đổi nhất là chương trình có tên gọi "việc làm tương lai". Cụ thể hơn, Pháp sẽ tạo điều kiện tuyển dụng thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25, không có bằng cấp hay tay nghề chuyên môn đến từ những vùng kinh tế không được phát triển. Nhưng, dư luận Pháp đang tỏ ra ngờ vực tính hiệu quả của chính sách này. Thứ nhất, để giải quyết việc làm cho 100.000 đối tượng như vậy sẽ gây tốn kém ngân sách ước tính lên tới 2,3 tỷ euro để hỗ trợ các công ty tuyển dụng. Thứ hai là nguy cơ chính sách hỗ trợ của nhà nước có thể bị lạm dụng. Bên cạnh đó, công ty tuyển dụng có thực sự chú tâm vào quá trình đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho nhân viên hay không cũng đang là vấn đề được người dân Pháp quan tâm.

Có thể thấy, biện pháp mà Tổng thống F.Hollande tung ra cho tới thời điểm này xem ra chưa đủ sức thuyết phục người dân Pháp rằng ê kíp làm việc của ông có thể nhanh chóng cải thiện tình trạng thất nghiệp đang ở mức 10% trên cả nước và 23% trong giới trẻ dưới 25 tuổi.

Quỳnh Chi