“Cao hơn bầu trời”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:02, 04/01/2013

(HNM) - Được hoàn thiện kịch bản và khởi quay trong năm kỷ niệm 40 năm Chiến thắng

- Thưa Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, ông là một nhà văn nhưng cũng lại là một người lính phòng không - không quân. “Hai tâm trạng” ấy đã hòa quyện thế nào trong kịch bản của ông?


Một cảnh trong phim “Cao hơn bầu trời”.

- Tôi đã có 40 năm gắn bó với Quân chủng Phòng không - Không quân, được Quân chủng nuôi dưỡng từ lúc còn là anh binh nhì đến nay. Chính vì vậy, giữa năm 2011, khi Hãng phim Giải phóng mời viết kịch bản là mọi thứ đã “chín” trong đầu và tôi viết ngoài giờ, ban đêm, ngày nghỉ. Có khi đang đi, dừng lại, mở máy tính xách tay để viết. 10 tháng rưỡi thì xong. Chứ nếu như phải thu thập tài liệu thì một năm có khi cũng không đủ.

Để có 45 phút phim mỗi tập, tôi phải viết 40-50 trang A4 kịch bản. Nhưng bạn biết đấy, viết kịch bản không đơn giản là viết ra chữ nghĩa mà là viết ra câu chuyện, số phận nhân vật và phải làm sao để người ta quay được. Là nhà văn tôi chú trọng đến tính nghệ thuật thể hiện trong bối cảnh, trong từng lời thoại nhân vật của mình.

- Tinh thần xuyên suốt trong 50 tập kịch bản mà ông với tư cách một nhà văn, một người lính muốn gửi gắm là gì?

- Đó là tinh thần một cuộc chiến đấu anh dũng, hào hoa của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm mưa bom bão đạn năm 1972. Trong kịch bản, hình ảnh về con người Hà Nội hiện lên rất đẹp, từ anh dân phòng đến chị tự vệ, họ yêu Hà Nội và chiến đấu với kẻ thù đúng với tinh thần sống chết với Thủ đô. Bên cạnh đó, tôi cũng gửi gắm hình ảnh những người con của miền Nam ra Bắc tập kết, chiến đấu với kẻ thù trên đất Bắc - một hình ảnh mà tôi nghĩ phim ảnh ta lần đầu khai thác. Qua đây, mong rằng khán giả sẽ có dịp hiểu thêm ông cha chúng ta đã sống, chiến đấu và yêu như thế nào.

- Trong hàng chục nhân vật của phim, nhân vật nào trở đi trở lại và được ông gửi gắm nhiều tình cảm nhất?

- Đó là phi công Vũ Sáng, dựng từ nguyên mẫu phi công Vũ Xuân Thiều. Trong đó có một chi tiết lịch sử chính xác đã được chúng tôi khai thác thể hiện qua hành động Vũ Sáng lái chiếc MIG-21 đâm thẳng vào máy bay B-52 của địch và hy sinh anh dũng. Băng ghi âm những lời nói cuối cùng của Vũ Xuân Thiều cho thấy anh đã xin sở chỉ huy tiếp tục công kích địch sau khi bắn hết hai quả tên lửa. Sở chỉ huy hiểu rằng Vũ Xuân Thiều quyết định cảm tử, bởi mỗi chiếc MIG-21 chỉ được trang bị 2 quả tên lửa. Đây là hành động thể hiện rõ tính chất anh hùng, quả cảm, khác với hình ảnh mà trước đây chúng ta vẫn nói về Vũ Xuân Thiều là sau khi bắn hết hai quả tên lửa, vì ở cự ly gần quá, không thoát ly được nên anh đã đụng vào B-52 của địch và hy sinh.

Trong phim, tôi cũng để cho Vũ Sáng thêm một lý do khi hành động quả cảm như vậy. Là vì Kiều Liên, một cô gái Hà Nội xinh đẹp, nền nã, tham gia tự vệ nhà máy dệt - người yêu của Vũ Sáng đã hy sinh trước khi anh cất cánh lần cuối cùng. Trước mộ Kiều Liên, Vũ Sáng đã thề “Anh sẽ trả thù cho em và đồng bào Hà Nội!”.

Những chi tiết như vậy, cùng với các nhân vật khiến cho tôi khi viết xong, nước mắt cứ trào ra vì kính trọng, thương yêu những người lính Phòng không - Không quân, với nhân dân Hà Nội.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thi Thi