Du lịch Việt Nam năm 2012: Thành công ngoài mong đợi
Du lịch - Ngày đăng : 06:58, 04/01/2013
Lượng khách tăng vượt dự báo
Trải qua một năm nhiều gian khó, ngành du lịch bất ngờ nhận được kết quả mà ngay cả người trong "nhà" cũng không ngờ tới với việc đón hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế và 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm trước. Không chỉ cán đích thành công, ngành du lịch còn vượt mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách quốc tế như kế hoạch đề ra. Trước niềm vui này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ, đây là con số mà cách đây chưa đầy một tháng, ít ai dám nghĩ tới (dự báo chỉ đạt 6,6-6,7 triệu lượt người) vì những khó khăn trông thấy của các doanh nghiệp. Với kết quả đạt được trong năm vừa qua, đã 3 năm (từ 2010-2012) liên tục, du lịch Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã được nhìn nhận như một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, an toàn và thân thiện. Điều này gợi mở những hướng khai thác mới đối với tiềm năng du lịch của nước ta trong tương lai.
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Như Ý
So với lượng khách đến các nước có ngành "công nghiệp không khói" phát triển trong khu vực thì đây chưa phải là con số lớn. Thế nhưng, thắng lợi này thực sự tạo động lực để những người làm du lịch trong cả nước thêm tự tin, quyết tâm đạt được những mục tiêu cao hơn. Trong năm 2013, bên cạnh việc triển khai Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngành du lịch sẽ tập trung xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, triển khai chương trình kích cầu du lịch, tăng cường các chương trình quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, đầu tư nguồn nhân lực du lịch… đặc biệt tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.
Từng bước làm mới mình
Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA), Việt Nam đứng thứ hai trong số các điểm đến mới nổi được du khách quốc tế lựa chọn cho năm 2013. Việc có mặt trong danh sách trên chính là cơ hội tốt để mảnh đất hình chữ S thể hiện "vẻ đẹp tiềm ẩn" của mình. Nhưng, đứng trước nhiều thách thức và dự báo kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn, xem ra ngành du lịch rất cẩn trọng khi đưa ra mục tiêu cho năm mới.
Không khỏi lo lắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, kinh tế Việt Nam và thế giới tiếp tục khó khăn trong năm 2013 sẽ khiến khách quốc tế và trong nước thắt chặt chi tiêu, có xu hướng chọn những điểm đến gần, giá rẻ với thời gian lưu trú ngắn. Thêm vào đó, mọi chi phí đầu vào như: điện, nước, xăng dầu… đều tăng sẽ khiến giá dịch vụ và tour tăng. Đây là yếu tố làm cho kinh doanh du lịch chật vật hơn. Vì vậy, sang năm 2013 có thể ngành du lịch không đạt được mức tăng trưởng như những năm trước. Chỉ tiêu dự kiến ngành đặt ra là thu hút 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,5-2% so với năm 2012.
Dù hoàn thành kế hoạch được giao nhưng ngành du lịch vẫn còn nhiều lực cản để hướng tới phát triển bền vững. Tại cuộc họp công bố 10 sự kiện tiêu biểu của du lịch Việt Nam trong năm 2012 vừa diễn ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đã thông báo một con số đáng buồn: Tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam lần hai chỉ khoảng 18%. Trong khi hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam cần tăng cường quảng bá ra thế giới thì ngân sách dành cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch lại giảm. Kinh phí đầu tư cho việc giới thiệu tiềm năng du lịch nước ta ra thế giới hiện chỉ bằng 5-6% so với các nước trong khu vực. Nhà nước dành 2,5 triệu USD/năm cho Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, nhưng Tổng cục Du lịch chỉ được cấp 68% số đó, tương đương 1,7 triệu USD, trong khi làm một clip chuyên nghiệp quảng bá du lịch Việt Nam đã tốn khoảng 1 triệu USD. Vì thiếu kinh phí nên Việt Nam chưa có clip quảng bá du lịch chuyên nghiệp, do đó mới chỉ giới thiệu những gì chúng ta có, chứ chưa quảng bá được những điều du khách cần.
"Năm mới 2013 đang mở ra với không ít khó khăn và thách thức. Song phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam sẽ từng bước làm mới mình bằng cách thay đổi nhận thức, nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm để ngày càng hấp dẫn du khách, tăng tỷ lệ khách quay trở lại", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.