Láng Hạ năm mươi năm chuyển đất thay đời
Chính trị - Ngày đăng : 08:04, 10/05/2004
Đường Láng Hạ - Thanh Xuân đang đổi thay Ảnh: K.Linh
Cụ Thuận có gương mặt thuần hậu như nhiều cụ già ở Láng Hạ này nhìn tôi. Cụ nói -Đất Láng thời xa xưa gọi là làng Yên Lãng Thượng thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Năm sáu mươi ở đây là hợp tác xã nông nghiệp Trung Thành thuộc huyện Từ Liêm. Mãi đến năm 1973 mới lập phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Thời ấy vùng đất này là ao chuôm, sình lầy, ruộng rau muống, mươi bụi tre còi, dăm lò gạch hoang và bãi rác, bãi tha ma vô chủ. Lọt thỏm giữa đám hoang dại đó là những xóm nhỏ dăm ba túp nhà hiu hắt cột tre, tường đất, mái lợp tranh, lợp cỏ. Đường đi lại là những lối mòn lầy lội len lỏi bên bờ ao.
Những đêm động trời cáo hú rùng rợn. Chồn hôi xông vào nhà bắt gà, cắn vịt. ở ven sông Tô Lịch, ở bờ ao bạt ngàn năn cỏ, cây dãi vật vờ, hằng hà sa số cóc nhái ễnh ương, muỗi vằn, rắn độc. Người dân hàng ngày phải lặn ngụp đánh lưới, mò cua ở đó để kiếm sống. Nguồn thu chỉ có con cá lá rau. Đàn bà bán mặt cho đất, bán lưng cho trời chăm từng bụi hành, luống húng rồi đòn gánh mòn vai chạy chợ, bán rong. Đàn ông thì khăn gói ra phố làm thuê bươn chải kiếm sống. Cụ Thuận nói với tôi anh muốn biết rõ hơn về vùng đất Láng này thì gặp ông Gia. Ông ấy là dân gốc ở đây. Ông rời bộ đội từ chiến trường về là giữ chức chủ tịch đầu tiên của phường này.
Ông Lê Văn Gia, chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Láng Hạ cho biết: Cái thuở mới lập phường chỉ có gần ba ngàn dân. Nay đã có ngót ba vạn người, bảy ngàn hộ gia đình. Gần ba trăm đơn vị kinh tế, hai trăm cơ quan, đơn vị của Nhà nước, của thành phố đứng chân trên đất phường. “Đất lành chim đậu”, Láng Hạ hội tụ người đủ 64 tỉnh, thành phố cả nước đến làm ăn và người đủ các màu da mang quốc tịch của nhiều nước đến cư trú. Đó là điều mừng cho sự hội nhập của vùng đô thị trẻ thời kinh tế phát triển. Đài truyền hình Hà Nội được dựng lên trên đám sình lầy, bãi cỏ rậm. Nơi bãi tha ma vô chủ hoang vắng đêm đêm gió hú, chấp chới ma trơi nay là Khách sạn vườn Thủ đô. Nơi ruộng sâu dân bỏ hoang nên có tên là cánh đồng Tham hoang nay là khu nhà Ngân hàng mười tầng đồ sộ.
Khu chung cư 23 tầng ở đường Nguyên Hồng xưa là cánh đồng sâu chiêm khê mùa thối. Con đường gồ ghề, lầy lội nhiều đoạn người phải dắt xe đạp đi bộ nay là đường Láng Hạ rải nhựa phẳng lỳ bốn làn ô tô chạy. Hai bên đường hai hàng cây xanh rờn mùa nối mùa đẹp hoa vàng, thắm lá đỏ. Cái lối mòn ngày nào người rẽ cỏ rậm đi men bờ ao, nhiều lần phải dừng lại bắt đỉa bấu vào chân nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Nguyễn Chí Thanh - những con đường đẹp vào loại nhất nhì Hà Nội. Và, nhiều người vẫn nhớ chuyện về cái cầu qua sông Tô Lịch. Xưa chỉ có một cái cầu dở cầu, cống dở cống, nên mới có tên là cầu Cống Mọc. Bởi vì hai bờ được đắp đất gần đến lòng sông. Chỉ có một đoạn ngắn ở giữa là bắc cầu trông như cái cống. Ban đêm qua cầu, người phải soi đèn pin, xe xích lô phải treo đèn chai bên càng tay lái. Nay qua sông Tô đoạn địa giới của phường đã có đến bốn cái cầu. Hai cái có bốn làn xe ô tôchạy, đèn cao áp sáng ngời ngợi thâu đêm. Rồi, nơi ao cá chết rét, nói vậy là vì cái ao thả cá giống thì nhiều mà thu chẳng được bao nhiêu, vì lúc cá mới nứt mắt bằng nửa bàn tay đã bị bắt trộm hết, đã là nhà chín tầng, của Công ty Thủy sản có đủ loại cá ngon, mực, tôm đặc sản của biển lành cả nước... Vùng đất cột Viễn Thông lừng lững chuyển sóng bưu điện đi bốn phương trời xưa là cánh đồng sâu cơ man nào là đỉa. Người dân phải ra đó đánh lươn, mò ốc, câu cá rô...
Ông Gia chỉ tay về phía bãi rác, nói: Nơi ấy trước đây đã gieo biết bao tai họa cho dân. Rác cả thành phố đổ về chất thành núi. Vô số chuột bọ, ruồi nhặng. Khi trời mưa nắng ẩm ương hơi độc hại bốc lên như khói. Mùa gió chướng mùi xú uế thốc vào nhà dân. Người già viêm phổi, nhức đầu, trẻ con ho hen bệnh tật. Dân Láng Hạ đã từng phải sống dở chết dở với cái “tai họa rác” này. Nay ở đó là nơi đô hội vui nhất, đẹp nhất vùng. Người xe tấp nập, gió lành xôn xao trên tán lá xanh rờn, mát mẻ. Đó là “Trung tâm chiếu bóng quốc gia” và các nhà hàng “Vườn Điện ảnh”, “Tre Việt”. Có thời Láng Hạ nhộn nhịp như một công trường lớn. Không khí đô thị hóa làm cho Láng Hạ lớn nhanh như Phù Đổng. Dăm bữa nửa tuần không đi qua thấy bỡ ngỡ như đến nơi xa lạ. Vùng đất Láng Hạ đói nghèo, già cỗi xưa đã trở nên trẻ trung phồn thịnh. Phường không có hộ đói, chỉ còn hơn 30 hộ nghèo vì rủi ro, tai nạn. Các hộ gia đình đều ở nhà tầng, nhà xây. Dân trong phường chung ý tưởng nghĩ cung cách làm ăn sao cho nhà mình giàu để nước thêm mạnh.
Ngày trước mỗi xóm chỉ có một cái giếng thơi. Mùa khô nước cạn kiệt dân phải chờ nhau vét từng gàu. Còn việc tắm rửa, giặt giũ thì cả làng ra vùng vẫy trong cái ao chung. Nay đường ống dẫn nước đến từng nhà, vào tận bếp, nước phun ra từ hoa sen buồng tắm. Người phường Láng có câu nói vui “ý phường, lòng dân dù việc khó khăn cũng làm trọn vẹn”. Dân đã đồng lòng với phường lấp ao hoang, san nơi đổ rác để làm sân vui chơi cho các cháu. Cái nơi, những năm trước giải phóng là nền điếm canh, bọn hương hào lý dịch bắt bớ, cùm kẹp dân lành, nay là nhà văn hóa, thư viện. Vốn dựng nhà bà con đóng góp. Hàng ngày các cụ già đến đọc báo, các cháu đến mượn sách, đội thiếu nhi tập múa hát, thể thao, diễn văn nghệ...
Năm 1954 trở về trước cả xóm Đình của ông chỉ có dăm người biết chữ. Mãi đến năm 1970 cả phường cũng mới có hai người học đại học, một người học trung cấp. Giờ đây phường Láng Hạ đã có hơn 500 người có bằng giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư... Hàng năm có gần 200 cháu nhập học các trường đại học và chuyên nghiệp. Quá nửa số nhà trong phường có máy vi tính cho các cháu học tại nhà. Lớp cán bộ kế cận của phường đã trưởng thành. Cô gái năm nào từ Trung Hòa lặn lội sang bứt năn, cắt cỏ, bắt cua đã trở thành bà chủ tịch phường - bà Nguyễn Thị Thuật được bà con tin yêu. Người chiến sĩ công an tận tụy với cuộc sống bình yên của dân từ ngày lập phường - Vũ Xuân Ngưỡng đã trở thành quận phó. Những chàng trai Láng Hạ từng trồng rau, đánh cá, bắt cua trên đồng làng đi xa trở thành đại tá Hải quân, chủ nhiệm khoa của trường đại học, phó giám đốc sở... 16 cụm dân cư trong phường có loa phát thanh truyền tin tức hàng ngày. Nhiều nhà dân đã có hai ba chiếc ti vi màu, có đầu video, bộ dàn nghe nhạc. Song, người dân đất Láng vẫn không quên một thuở thắt lưng buộc bụng, thiếu khó. ấy là ngày thủ đô mới giải phóng, không có đài. Các chàng trai rủ nhau treo lên nóc nhà dựng cột tre mắc ga-len thay nhau áp tai vào nghe tin tức. Buổi tối bà con xách ghế, trời mưa thì đội nón quàng tấm vải nhựa đi từng đoàn như trẩy hội ra Ngã Tư Sở ngồi đông nghịt dưới loa phát thanh công cộng nghe tin, nghe hát chèo đến khuya.
Người dân đất Láng có bát ăn, bát để, nhà cửa khang trang khép kín nhưng nếp sống đẹp tình láng giềng, nghĩa phường phố, khi tối lửa tắt đèn có nhau vẫn giữ vẹn tròn. Tập thơ của các cụ sáng tác mừng ngày phường đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì và được thành phố, quận tuyên dương là đơn vị thi đua xuất sắc, có những câu đằm thắm tình người “...Mười quê chín bến gần xa. Ta xem đất Láng nay là quê hương. Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Việc nhà êm ấm, việc phường chung tay...”. Đất Láng Hạ trở thành nơi ấm áp tình người. Điều đáng nói là nơi đây đã tạo dựng nên một nét đẹp văn hóa mới. 98% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Đầu xuân hàng năm, phường tổ chức mừng thọ, trao quà cho các cụ già và mừng song thọ các cụ sống với nhau 40 năm trở lên. Chúc các cụ giữ nếp sống thảo hiền để con cháu noi theo như ông bà xưa đã nói: “Trẻ xông pha già mẫu mực”. Phường chăm lo sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc cho các cụ và cấp thuốc bổ cho các cháu bé. Gần ba trăm gia đình liệt sĩ, thương binh, có công với nước được phường trợ cấp lúc khó khăn và được tặng sổ tiết kiệm. Những việc làm ấy đã tô đẹp thêm truyền thống nhân ái uống nước nhớ nguồn của tổ tiên ta.
Được nghe những người chứng kiến sự tích thần kỳ Láng Hạ năm mươi năm chuyển đất thay đời kể lại, tôi càng tâm đắc với câu nói của cụ Thuận: “Năm đón bộ đội ta về tiếp quản, rồi được dự hội mừng Cụ Hồ về, được ngheCụ nói, tôi cứ nhập tâm mãi câu: Thủ đô ta giải phóng rồi, ta phải đoàn kết hăng hái lao động xây dựng đất nước để mọi người được ấm no, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng có nhà ở, được học hành... Nay người dân Láng Hạ đã có bữa cơm ngon, có tấm áo đẹp, trẻ em người lớn đều được học hành đến đầu đến đũa, mọi người đã ở nhà xây, nhà tầng... Lời dạy của Cụ Hồ ngày ấy đã thành sự thật. Dân Láng Hạ không bao giờ quên...”.
HNM