Không thể để "bù trượt giá"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 04/01/2013
Tại kỳ họp thứ tư, trong Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2013, Quốc hội (khóa XIII) cũng đã quyết định từ ngày 1-7-2013, mức lương tối thiểu (chi trả từ ngân sách nhà nước) sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng hiện nay, lên 1,15 triệu đồng/tháng. Tiền hưu trí và trợ cấp xã hội cũng tăng với tỷ lệ tương ứng… Quyết định là vậy, nhưng một số đại biểu vẫn không khỏi lo lắng: Tăng lương thì cán bộ, đối tượng chính sách mừng nhưng xã hội lại sợ giá cả tăng…
Sự lo lắng của các đại biểu QH hoàn toàn có lý. Bởi, được tăng lương, nhưng thu nhập của hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách đâu có tăng trong thực tế đời sống hiện nay.
Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã 8 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Nhưng trên thực tế, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chỉ để "bù trượt giá" là chính, chứ mức tăng chưa đủ bảo đảm tiền lương đủ sống, không phù hợp với giá trị sức lao động bỏ ra…
Có thể hiểu đơn giản rằng, mức lương trên thực tế là tiền lương danh nghĩa, còn tiền lương thực tế tăng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào tốc độ tăng giá tiêu dùng. Theo một số chuyên gia, về mặt lý thuyết, việc tăng lương không tác động đến tăng giá, việc giá cả tăng "ăn theo" lương chỉ là do yếu tố tâm lý của người dân (chủ yếu là người bán hàng)... Thực tế cho thấy trong các đợt điều chỉnh lương gần đây thì giá cả thị trường đều tăng nhẹ, với cách lý giải của người bán hàng "Nhà nước tăng lương cho các ông, tôi… tự tăng lương cho tôi. Các ông phải ủng hộ chứ"…
Vì vậy lương tăng nhưng người lao động vừa mừng vừa lo. Mừng vì lương tăng sẽ phần nào giải quyết được nhiều vấn đề thiết thực, bù đắp được những chi phí trong cuộc sống… Lo vì gần như theo quy luật, cứ mỗi lần tăng lương là giá cả lại nhấp nhổm tăng theo; thậm chí, lương chưa tăng, giá đã "đi tắt đón đầu"… Vậy là, tăng lương không đuổi kịp tăng giá, và hậu quả là người lao động lãnh đủ. Do đó đối với người dân và người thu nhập thấp nói riêng, lương tăng mà giá cả tăng theo thì việc tăng lương chẳng còn ý nghĩa do tiền lương (tăng thêm) không tăng thêm giá trị, không nâng được thu nhập thực tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà còn chưa qua khó khăn, việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo ổn định đời sống nhân dân… vẫn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, để việc tăng lương có ý nghĩa thiết thực cải thiện và nâng cao mức sống của người lao động thì vai trò quản lý nhà nước trong việc ổn định thị trường là vô cùng quan trọng.
Năm 2013 vừa đến, Tết Quý Tỵ 2013 đã gần kề... Giá cả thị trường đã nhấp nhổm tăng. Đây là thời điểm mà các cơ quan chức năng càng phải tích cực vào cuộc quyết liệt hơn bao giờ hết. Đó là các công việc: tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường trong lưu thông; chống hàng giả, hàng kém chất lượng; bảo đảm hàng hóa được bán đúng giá… Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, hạ giá thành sản phẩm… để người bán hàng không có lý do đẩy giá lên cao, bắt chẹt người tiêu dùng, tạo ra "cơn sốt" giá giả... Thực hiện triệt để, quyết liệt các biện pháp để việc tăng lương là niềm vui thực sự đối với người lao động, chứ không chỉ là mang ý nghĩa "bù giá vào lương" hay "bù trượt giá"… Đó cũng chính là đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội… như nội dung Thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập mới đây.