Tổ chức giải V-League: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Thái Lan

Xã hội - Ngày đăng : 15:52, 03/01/2013

Sau một năm điều hành các giải đấu của bóng đá Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, VPF đang có những bước đi theo hướng chuyên nghiệp hóa mà mới nhất là động thái xúc tiến thuê một chuyên gia Nhật Bản, ông Kazuyoshi Tanabe, về làm Phó TGĐ của VPF.


Có thể thấy rõ dụng ý của VPF là đang cố gắng học theo mô hình của bóng đá Nhật Bản trong việc tổ chức điều hành các giải đấu.

Những trận đấu được tổ chức chuyên nghiệp tại J-League đang là mô hình
mà VPF hướng đến.


Thế nhưng, nếu nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản từ trước đến nay thì chẳng hề thấy bóng dáng của một chuyên gia ngoại nào tham gia vào việc tổ chức, điều hành J-League.

Để hình thành J-League, LĐBĐ Nhật Bản (JFA) từ đầu năm 1992 đã thuê 2 giáo sư tiến sĩ người Đức là Harald Dolles và Stern Soderman thực hiện một công trình nghiên cứu tổng quát về xã hội Nhật Bản, môi trường thể thao Nhật Bản, con người Nhật Bản, xu hướng phát triển và khuynh hướng các công ty Nhật Bản với những môn thể thao ưa thích của người Nhật Bản…

Dựa trên cơ sở đó đó, công ty điều hành J-League đã được hình thành, hoạt động theo lộ trình của công trình nghiên cứu rất tỉ mỉ đó và được đặt dưới sự điều hành thuần túy của người Nhật. Bản thân J-League dù ra đời năm 1992, nhưng phải mãi đến giữa năm 1993 thì mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản mới bắt đầu được khởi tranh.

Điều đó chứng tỏ rằng trước khi tiến hành tổ chức J-League, người Nhật đã có những bước chuẩn bị rất công phu và kỹ lưỡng về mọi mặt, trong đó cả việc tổ chức, điều hành giải đấu như thế nào cũng được thực hiện theo công trình nghiên cứu kể trên và J-League cứ theo đó mà thực hiện và gặt hái được những thành công.

Nhìn sang một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan, để có một Thai-League như hiện nay, cách đây 4, 5 năm, LĐBĐ Thái Lan (FAT) thay vì mời chuyên gia ngoại về điều hành giải đấu giống như Việt Nam đang sắp sửa thực hiện, đã tiến hành đầu tư vào đội ngũ điều hành thông qua việc đưa những nhân vật chủ chốt của FAT đi sang Anh để học hỏi kinh nghiệm về công nghệ tổ chức Premier League của người Anh.

Trong số những người được sang Anh học và mang kiến thức về áp dụng cho Thai-League, đáng chú ý nhất là TTK FAT Ong Art Kosinkha, người được coi là có công nhất trong sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở Thái Lan.

Ông Ong Art-Kosinkha sau khóa học dài hạn ở Anh đã trở về làm GĐĐH Thai-League và đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt giải chuyên nghiệp Thái Lan bằng việc mang những kiến thức tiến bộ của bóng đá Anh vận hành một cách có chọn lọc vào thực tế bóng đá ở Thái Lan.

Theo TT&VH