Năm 2012 và những vấn đề chứng khoán gây chú ý nhất

Tài chính - Ngày đăng : 10:46, 01/01/2013

(HNMO)- Năm 2012 khép lại với nhiều sự kiện trên thị trường chứng khoán. 40 nhà báo theo dõi mảng chứng khoán thuộc Câu lạc bộ Chứng khoán đã bình chọn ra 10 sự kiện nổi bật nhất.


1. Sếp ngân hàng bị bắt và cú sốc cho TTCK

Ngày 21-8, thị trường phản ứng tiêu cực với sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên, cổ đông lớn của ngân hàng ACB, bị bắt. Trước tin xấu này, chỉ số giá chứng khoán hai sàn giảm liền 6 phiên với mức giảm 11,8% trên sàn TP HCM (HSX) và 15,4% trên sàn Hà Nội (HNX). 2 tháng sau đó, thị trường lại “chao đảo” khi một loạt các thành viên HĐQT và ban lãnh đạo của ACB bị bắt. Liên quan đến sự kiện ông Đặng Văn Thành-Chủ tịch Sacombank từ chức, thị trường cũng một phen điêu đứng.

2. Phê duyệt Đề án Tái cấu trúc TTCK

Ngày 6-12, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1826 phê duyệt đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký. Để hỗ trợ việc triển khai đề án này, một loạt các nghị định, thông tư mới được ban hành như Nghị định 58 hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 52 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK, Thông tư 121 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, Thông tư số 130 hướng dẫn việc mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng…Với một khung pháp lý khá đầy đủ được ban hành cùng lúc, năm 2012 được đánh giá là năm thành công nhất trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà công cuộc tái cấu trúc toàn bộ TTCK Việt Nam đang vào giai đoạn quan trọng.

3. Thành công với huy động vốn qua phát hành trái phiếu

Năm 2012 tiếp tục là năm không thành công trong huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa nhưng lại khá thành công qua kênh phát hành trái phiếu. Tổng giá trị huy động vốn trong năm 2012 ước đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, tăng 54%, trong đó cổ phiếu và cổ phần hóa là 18 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2011 do mặt bằng lãi suất còn cao, sản xuất kinh doanh khó khăn và hoạt động thị trường không ổn định. Tuy nhiên, vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ tăng cao. Tính đến giữa tháng 12/2012, huy động vốn trái phiếu chính phủ qua hình thức đấu thầu trên HNX đã đạt 156.544 tỷ đồng (bằng 1,9 lần so với cả năm 2011), vượt chỉ tiêu kế hoạch huy động điều chỉnh năm 2012 là 135 ngàn tỷ đồng.

4. Nhiều cải tiến trong cơ chế giao dịch

Trong năm 2012, nhiều cải tiến được áp dụng trong cơ chế giao dịch và thanh toán. Từ ngày 26-3-2012, HNX áp dụng cách tính giá tham chiếu mới cho cổ phiếu trên thị trường niêm yết, cho phép giao dịch lô lẻ (chứng khoán có khối lượng từ 1 đến 99 cổ phiếu) trên hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết của HNX thông qua hình thức thỏa thuận. Sau 3 tháng thử nghiệm, từ ngày 6/6/2012 việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều tại hai sở giao dịch chứng khoán. Từ ngày 2-7, lệnh thị trường-một công cụ được xem là khá lợi hại trong việc làm tăng hiệu quả đặt lệnh cho nhà đầu tư và tăng thanh khoản thị trường, sẽ chính thức áp dụng tại HSX. Bên cạnh đó, một cải tiến được xem là mạnh mẽ nhất trong cơ chế giao dịch của năm 2012 đã được triển khai từ ngày 4-9. Kể từ thời điểm này, quy trình thanh toán chứng khoán được rút ngắn từ 15h ngày T+3 xuống 9h sáng ngày T+3, giúp nhà đầu tư đã được bán chứng khoán vào ngày T+3, thay vì T+4 như 12 năm trước đó.

5. Lần đầu tiên hành vi bán khống bị xử phạt

Sau rất nhiều nghi ngờ và đồn đoán, hành vi bán khống trên TTCK Việt Nam đã chính thức bị xử phạt. Cuối tháng 10 vừa qua, theo kết luận của UBCKNN, ông Nguyễn Viết Xuân và bà Phạm Thị Sương đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán. Cả hai nhân viên HSC trên đều bị phạt mỗi người 85 triệu đồng, riêng ông Nguyễn Viết Xuân bị rút chứng chỉ hành nghề. Liên quan đến HSC, UBCKNN cũng xử phạt HSC 105 triệu đồng do những sai phạm căn cứ điều 62 và 71 Luật Chứng khoán. Ngoài trường hợp phạt hai nhân viên HSC, UBCKNN cũng đã xử phạt Công ty Chứng khoán Đại Nam 150 triệu đồng vì cho khách hàng vay chứng khoán để bán.

6. Xây dựng các chỉ số cơ sở cho các sản phẩm mới trong tương lai

Chỉ số VN30 được công bố vào ngày 3/2 và chính thức triển khai ngày 6/2. Chỉ số HNX30 được công bố ngày 5/7 và bắt đầu triển khai từ ngày 9/7. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình xây dựng và chuẩn hóa các chỉ số cơ sở, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới trong tương lai.

7. Nhiều CTCK tồn tại vì còn cái “tên”

UBCKNN đã đưa 11 CTCK và 3 công ty quản lý quỹ vào diện kiểm soát đặc biệt và 3 CTCK vào diện kiểm soát; yêu cầu Hội đồng quản trị, tổng giám đốc các CTCK thuộc diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục. Đồng thời, UBCKNN cũng đã triển khai các biện pháp mạnh trong việc tái cơ cấu như rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 4 CTCK. Việc rút nghiệp vụ môi giới trên thực tế là rút giấy phép hoạt động, chỉ còn tồn tại pháp nhân để xử lý các khoản nợ. Cơ quan này cũng rút nghiệp vụ tự doanh của 2 công ty; rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 1 công ty; đình chỉ hoạt động 3 CTCK; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 4 CTCK.

8. Doanh nghiệp niêm yết biến mất bởi sáp nhập, giải thể

Năm 2012, số công ty niêm yết mới tăng khoảng 25 công ty-ít hơn số lượng niêm yết mới năm 2011 là 52 công ty. Trong khi đó có 21 công ty bị hủy niêm yết. Đặc biệt là có những doanh nghiệp niêm yết từng “nổi đám” một thời như HBB và SCG bị biến mất trên thị trường do HBB sáp nhập vào SHB và CSG giải thể.

9. Lần đầu tiên tín phiếu kho bạc vào sàn chứng khoán

Sau hơn 17 năm phát hành sơ cấp, từ ngày 24-8 lần đầu tiên tín phiếu kho bạc phát hành theo phương thức đầu thầu qua Ngân hàng Nhà nước được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và niêm yết giao dịch trên thị trường trái phiếu chuyên biệt tại HNX. Đưa tín phiếu kho bạc vào giao dịch trên thị trường thứ cấp cùng với trái phiếu sẽ tập trung thông tin giao dịch trái phiếu Chính phủ về một đầu mối, từ đó việc xây dựng bức tranh tổng thể về diễn biến tình hình thị trường và khiến thị trường trái phiếu trở nên chuyên nghiệp hơn.

10. Việt Nam đã có 3 quỹ mở

Tương lai cho quỹ mở cuối cùng cũng đã có tín hiệu. Trong tháng 12, cùng với việc 1 quỹ đóng đầu tiên tuyên bố chuyển đổi sang quỹ mở thì có tới 2 quỹ mở khác được UBCKNN cấp giấy phép chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng. Ngày 5-12, đại hội nhà đầu tư của Quỹ VFMVFA đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi mô hình sang quỹ mở. Dự kiến, chứng chỉ quỹ mở VFMVFA sẽ giao dịch tại TTCK trong năm 2013. Ngày 12 và 14-12, UBCKNN đã cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng cho 2 quỹ mở đầu tiên là: Quỹ đầu tư bảo thịnh Vinawealt và Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital Việt Nam. Cả hai quỹ này đều có vốn huy động tối thiểu là 50 tỷ đồng và cùng được giám sát bởi Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam).

Thanh Hương