Chế tài phải mạnh, quyết tâm phải rõ
Xã hội - Ngày đăng : 08:42, 31/12/2012
(HNM) - Nghị định 91/CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) đã chính thức có hiệu lực. Nhiều hành vi vi phạm quy định về ATTP sẽ bị xử phạt rất nặng, có thể lên đến 100 triệu đồng. Điều quan trọng là cơ quan chức năng đã xác định xử lý nghiêm các hành vi sai phạm ngay khi nghị định mới có hiệu lực.
Kinh doanh thức ăn đường phố có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền nếu không bảo đảm vệ sinh. Ảnh: Như Ý |
Dùng chất cấm trong thực phẩm - "tội" nặng
Theo quy định mới, kể từ ngày 25-12, các hành vi sử dụng thịt - sản phẩm chưa qua kiểm dịch thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu để chế biến thực phẩm sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc không rõ nguyên nhân để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm điều kiện về ATTP hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Riêng đối với các hành vi dùng hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt rất nặng, từ 30 đến 50 triệu đồng, thậm chí có thể lên đến 100 triệu đồng; cơ sở sản xuất, chế biến có thể bị "treo" giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP từ 9 đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm. Cơ sở hay người kinh doanh thực phẩm sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi trên. Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến có chứa chất độc hại hoặc sử dụng phụ gia là chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt 20-40 triệu đồng. Nghị định còn quy định sẽ phạt tiền từ 1 đến 20 triệu đồng nếu chủ cơ sở không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Cũng theo nghị định này, những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (500.000 - 1 triệu đồng) nếu bày bán thực phẩm không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh theo quy định, không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng gây hại... Nếu sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nước không đạt tiêu chuẩn để chế biến, kinh doanh thực phẩm… sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng.
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), các hành vi vi phạm ATTP sẽ bị xử phạt rất nặng. Đặc biệt, nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, cơ sở kinh doanh phải chịu mức phạt tiền cao gấp 7 lần giá trị hàng hóa.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
Bà Vũ Thanh Thủy, Phó phòng Quản lý chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, từ nhiều tháng nay Ban quản lý chợ đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Cục ATTP tổ chức các buổi tập huấn phổ biến tới bà con tiểu thương về mức xử phạt theo quy định mới. Theo bà Thủy, trước đây mức xử phạt nhẹ, nhiều người "tặc lưỡi" chấp nhận. Tuy nhiên, trước tình hình buôn bán khó khăn, mức xử phạt lại tăng cao hơn nhiều, chắc chắn người kinh doanh sẽ phải chấp hành quy định chung tốt hơn.
Các quận, huyện của Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến quy định mới cho bà con tiểu thương; tổ chức tập huấn cho lực lượng thanh - kiểm tra. Theo
ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc tuyên truyền được tiến hành đồng thời với công tác xử phạt theo quy định mới. Với quan điểm cần áp dụng ngay hình thức xử phạt cứng rắn, ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh Thanh tra Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong ngày đầu tiên Nghị định 91 có hiệu lực, nhiều thành phố lớn đã ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đang tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền tới những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, các nhà quản lý, cũng như người tiêu dùng... Ông Nhiên cho rằng, người tiêu dùng chính là kênh thông tin quan trọng trong việc phát hiện, tố giác những hành vi kinh doanh, buôn bán thực phẩm không bảo đảm an toàn. Các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cũng khẳng định, việc người tiêu dùng tẩy chay những sản phẩm kém chất lượng chính là hình thức xử phạt có giá trị răn đe cao nhất.
Kiểm tra thực phẩm Tết Tuần này, các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương sẽ tăng cường thanh - kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm đối với nhiều mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Tại Hà Nội, từ ngày 20-12-2012 đến 31-3-2013, 6 đoàn thanh tra liên ngành của thành phố ra quân kiểm tra việc bảo đảm ATTP dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Tỵ và mùa lễ hội năm 2013. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, đại lý buôn bán thực phẩm, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… |