Nỗi lo rượu giả, rượu lậu

Kinh tế - Ngày đăng : 08:37, 31/12/2012

(HNM) - Dịp lễ, tết thường là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, trong đó có rượu. Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần cũng là lúc các lực lượng chức năng của Hà Nội quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.

Hơn một tuần qua, lực

lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện nhiều ổ nhóm sản xuất và kinh doanh các loại rượu không có tem hoặc tem nhãn giả. Đội QLTT số 12 phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở Thiên Long chuyên sản xuất nước giải khát, rượu các loại, tại xóm Hoa Thám, xã La Phù (Hoài Đức), do bà Nguyễn Thị Ngân làm chủ. Chủ cơ sở xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, nhưng không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu chế biến.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu ngoại.


Ngoài ra còn phát hiện cơ sở này sử dụng nguồn nguyên liệu phụ gia thực phẩm, đường hóa học nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, cồn công nghiệp để chế rượu... Đoàn kiểm tra đã thu 5.000 chai rượu, gồm vang đào, nếp mới, vang nổ, chanh, Champagne Thiên Long… Trước đó,  Đội QLTT số 11 phối hợp với Cảnh sát kinh tế (Công an quận Tây Hồ) đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ. Qua kiểm tra, có hơn 10.000 chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn một lượng lớn rượu vang đóng trong túi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đối tượng khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt, vang đóng túi không nguồn gốc để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác giả các thương hiệu đang bán chạy trên thị trường. Cơ quan chức năng còn thu giữ một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang nhập ngoại và hàng nghìn tem chống hàng giả.

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và gian lận thương mại Việt Nam, tỷ lệ rượu giả, rượu lậu trên thị trường trong nước những năm gần đây đã giảm mạnh. Năm 2009, tỷ lệ này là 9,1%; năm 2010 giảm còn 6,6% và năm 2011 còn 4,4%. Đạt được kết quả trên, phải kể đến nỗ lực không nhỏ của QLTT cùng các ngành chức năng trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại. Tuy nhiên, tình hình nhập lậu và sản xuất rượu giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi hơn. Hiện có khoảng 60-70% lượng rượu lậu trên thị trường được nhập vào nước ta qua tuyến biên giới Tây nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan, tạm nhập tái xuất. Bên cạnh đó, tem rượu giả được sản xuất tinh vi, được nhập lậu qua đường tiểu ngạch, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Ngay cả với cơ quan chức năng, muốn phân biệt rượu thật hay giả cũng phải thông qua giám định. Do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp vẫn cố tình sản xuất rượu giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong, ngoài nước để trục lợi.

Chi cục QLTT Hà Nội cho biết sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát kho tàng, bến bãi, các tuyến phố thương mại, chuyên doanh về mặt hàng thuốc lá, rượu... tập trung vào cơ sở sản xuất, gia công, lắp ráp, xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại và dịch vụ có dấu hiệu vi phạm các quy định về sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng, vi phạm về đo lường, xuất xứ hàng hóa, quy chế ghi nhãn đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Việc kiểm tra các sản phẩm đóng gói sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở sản xuất để ngăn chặn việc sử dụng các loại thực phẩm kém chất lượng, phụ gia độc hại. Chi cục sẽ phối hợp với ngành tài chính kiểm soát chặt đầu vào của những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chú trọng hàng bình ổn giá, nhằm ngăn chặn tăng giá bất hợp lý. Chi cục đã giao cho Đội QLTT số 1 và số 17 kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả kém chất lượng. Đội QLTT số 14 kiểm tra các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu công nghiệp.

Thanh Hiền