Những ngôi nhà ấm áp tình quê
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:01, 31/12/2012
(HNM) - Những ngày cuối tháng 12 cách đây tròn 40 năm, hàng loạt điểm dân cư của Hà Nội bị bom B-52 san phẳng, nặng nhất là khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai và Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam tại phố Đại La. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hà Nội có sự giúp sức của các tỉnh, thành bạn nhanh chóng bắt tay hàn gắn những vết thương, dựng lại nhà cửa cho dân sau mưa bom.
Sau cái đêm tang thương của Khu tập thể (KTT) Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đúng 40 năm, chúng tôi về huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) để tìm lại những người đã tham gia dựng lại nhà cho cán bộ, phóng viên, công nhân viên của VOV. Chúng tôi chỉ nắm được một dòng thông tin: "Hàng chục hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã lên Hà Nội giúp nhân dân dựng lại nhà bị sập do bom B-52".
Những ngôi nhà đang được dựng lại ở phố Khâm Thiên sau trận mưa bom cuối tháng 12-1972. Ảnh Tư liệu |
Nhờ may mắn biết được xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc có hai HTX đã lên Hà Nội dựng lại nhà ở cho KTT VOV, chúng tôi tìm đến UBND xã để hỏi tiếp. Tiếc rằng thông tin tại đây khá mờ mịt. Cán bộ xã nhớ có một tấm ảnh kỷ niệm của những người đi dựng giúp nhà với bối cảnh phía sau là căn nhà 5 gian bằng gỗ lợp lá với tấm pa-nô to, nhưng giờ tìm không ra tấm ảnh đó. "Có lẽ lúc dọn trụ sở cũ để sang trụ sở mới, tôi đã để lẫn ở đâu đó" - ông Phó Chủ tịch xã nói. Trong lịch sử Đảng bộ xã cũng không nói đến. Hỏi về những người đã từng theo HTX lên Hà Nội dựng nhà thì chỉ lác đác vài người còn sống biết.
Ông Nguyễn Đức Tấu, thôn Côi Thượng, ngoài 70 tuổi, là một trong số ít người đã lên Hà Nội dựng giúp nhà 40 năm trước giờ còn sống và kể lại rành mạch. Ngày đó, ông Tấu là Phó Bí thư chi bộ được phân công dẫn đầu đoàn dựng nhà của HTX nông nghiệp Quảng Đức, xã Phạm Trấn. Ông Nguyễn Văn Tuất, Bí thư chi bộ HTX Minh Đức dẫn đầu đoàn của HTX Minh Đức, xã Phạm Trấn. Mỗi HTX phụ trách dựng một căn nhà gỗ 5 gian. "Tất cả mọi phần của gian nhà đều đã được làm tại quê. Từ cột, kèo, cù làm từ gỗ phi lao, tre nứa, đến cái nan, cái lạt, rơm, rạ, gạo, thịt cho người dựng nhà... Có thứ thì sẵn của HTX, có thứ chúng tôi phải mua của nhân dân. Công việc chuẩn bị mất cả tháng. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa xe về chở người và vật liệu lên Hà Nội", ông Tấu kể.
Sáng hôm đó, khoảng 10 giờ, sau khi chất mọi đồ đạc, vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết lên ô tô, hơn 30 người của hai HTX khởi hành. Lên tới nơi cũng gần chiều. Hôm sau, họ nhận đất rồi bắt tay vào dựng nhà luôn. Chỉ mỗi việc lắp ráp nên mất đâu khoảng 10 ngày là hoàn chỉnh căn nhà gỗ 5 gian. Tường nhà được làm bằng phên trát hỗn hợp bùn trộn rơm. Trong thời gian dựng nhà, Đài có cho họ đi xem hai buổi ca nhạc, một lần tại Quán Sứ, một lần tại Nhà hát Lớn. Xe ô tô xuống tận khu Đại La, gần cổng Bệnh viện Bạch Mai, để đón đưa đi. Ông Tấu khẳng định: "Cũng còn có HTX khác lên Hà Nội dựng nhà nhưng tôi không nhớ, không chỉ có xã Phạm Trấn giúp đâu".
Khi hỏi về bức ảnh chụp kỷ niệm tại căn nhà dựng xong, ông Tấu chép miệng tiếc. Bởi ông giữ nó đến được tận năm ngoái, khi bạn của ông - một người cũng lên Hà Nội dựng nhà 40 năm trước - mất, nhà họ không có ảnh, ông Tấu cho mượn nhưng giờ chưa thấy trả lại. Ông Tấu nói chúng tôi đến hỏi người đồng hành với ông thời đó là ông Thướng, xem còn giữ lại bức ảnh hay không.
Tìm sang nhà ông Hoàng Văn Thướng, tại thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, chúng tôi mang trong mình hy vọng sẽ tìm được tấm ảnh kỷ niệm đặc biệt đó. Nhưng ngay cả ông Thướng cũng không còn giữ. 40 năm trước, ông Thướng làm mộc tại HTX nông nghiệp Minh Đức, cùng lên Hà Nội một đợt với HTX Quảng Đức. Gặp người, vui chuyện, ông Thướng kể một mạch: "Chúng tôi không được ra khu Khâm Thiên, nên tập trung vào dựng ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Khu vực này khi ấy tan hoang lắm, lại nhiều muỗi kinh khủng. Chúng tôi phải mắc màn ngủ tập trung. Địa hình lồi lõm bởi bị bom cày xới, chưa kịp lấp lại, quá nhiều ụ pháo, hố bom... Ở đó không có dân chỉ toàn phóng viên, biên tập viên. Họ bận việc họ, còn mình tập trung việc của mình".
Tối hôm đó, không thỏa mãn với những thông tin thu nhặt được trong ngày, chúng tôi quay về TP Hải Dương tìm đến nhà ông Phạm Văn Viết, nguyên Chánh văn phòng Huyện ủy huyện Gia Lộc thời đó. May cho chúng tôi, ông Viết đang ở nhà. Ngày ấy, ông Viết không trực tiếp lên Hà Nội dựng nhà nhưng được cấp ủy phân công triển khai, vận động cán bộ và nhân dân huyện chuẩn bị tre, gỗ, nứa, lá, rơm rạ và nhân lực... Vì ông là đầu mối công việc nên đã nắm khá vững chuyện thời đó. Ông Viết kể, ngay sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tin thông báo B-52 tàn phá Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai và Đài Tiếng nói Việt Nam, Huyện ủy Gia Lộc đã họp và lên kế hoạch dựng nhà giúp đỡ anh em phóng viên, biên tập để họ tập trung công việc chuyên môn, góp phần để tiếng nói của nhân dân Việt Nam ra thế giới luôn được thông suốt. Việc này huyện Gia Lộc cũng không báo cáo thành tích với cấp trên.
Hỏi về những việc ở trên Hà Nội, ông Viết giới thiệu cho chúng tôi tới gặp ông Vũ Xuân Láng và bà Nguyễn Thị Thất, hai người dẫn đoàn các HTX ở Gia Lộc lên Hà Nội dựng nhà.
Ông Vũ Xuân Láng năm nay đã 87 tuổi mà vẫn còn minh mẫn. Nhà ông ở thôn Phương Xá (thôn Phe), xã Gia Hòa (Gia Lộc). Thời đó ông nguyên là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nội chính, Trưởng Công an huyện Gia Lộc. Mới chỉ đề cập đến việc lên Hà Nội dựng nhà cho cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Láng đã kể tuốt từ đầu chí cuối. Những thông tin, câu chuyện còn lờ mờ từ ngày hôm qua thì hôm nay đã rõ hơn. Ông kể, năm 1972, giặc Mỹ đánh phá Thủ đô Hà Nội rất ác liệt, cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam bị ném bom san phẳng. Lúc đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lộc tổ chức họp khẩn cấp, phát động 25 xã, thị trấn huy động sức người, sức của, sử dụng gỗ phi lao, xà cừ ở trục đường các xã, cùng vật liệu nhân dân đóng góp, mỗi xã chuẩn bị sẵn ít nhất 3 gian nhà tranh tre tại địa phương. Huyện trích ngân sách thuê xe tải đưa người, vận chuyển vật liệu, đồ ăn, thức uống lên Hà Nội để dựng nhà làm việc, nhà ở cho cán bộ, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Người đi rầm rập. "Tôi vinh dự được giao nhiệm vụ thường xuyên chỉ đạo trực tiếp tại công trường, động viên xã viên các HTX với tinh thần trách nhiệm cao", ông Láng tự hào nói. "Chỉ sau hơn một tuần 200 gian nhà đã hoàn thành, giúp Đài Tiếng nói Việt Nam ổn định làm việc. Bàn giao nhà xong, bên Đài có mang hai cái ti vi về cảm ơn nhân dân Gia Lộc", ông Láng nói.
Cùng tiếp chúng tôi có bà Nguyễn Thị Thất, đã 72 tuổi, nguyên Bí thư Huyện đoàn Gia Lộc thời đó. Lúc đó, bà Thất được cấp ủy phân công huy động toàn bộ lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, biết việc. Thanh niên Gia Lộc luôn có tinh thần "Thanh niên ba sẵn sàng", "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", "Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần". Chỉ trong thời gian ngắn, mọi việc như đốn gỗ, đục đẽo làm cột nhà, huy động nguyên, vật liệu tại địa phương để phục vụ việc dựng nhà giúp cho Đài Tiếng nói Việt Nam đã hoàn tất.
Đã 40 năm trôi qua, việc bà con Gia Lộc lên dựng nhà giúp trong ký ức những người còn đang ở KTT của VOV cũng chỉ còn nhớ loáng thoáng "bởi ngày đó mọi việc cứ rối bời". Bà Lê Thị Hằng, 53 tuổi, cũng chỉ được nghe kể về câu chuyện trên thông qua những người hàng xóm trước là cán bộ, phóng viên của
Đài giờ đã chuyển đi. Tuy nhiên bà Hằng rất xúc động và bày tỏ mong muốn được gặp những người đã từng giúp dựng lại tổ ấm cho các đồng nghiệp của bà.
"Cuộc tập kích chiến lược vừa rồi, địch phá hủy của chúng ta 8.000 ngôi nhà làm cho hàng nghìn gia đình không có nhà ở, làm hư hỏng nặng trên 9.000 ngôi nhà cần phải sửa chữa gấp. Trong mỗi huyện sẽ động viên nhân dân giúp đỡ những nhà bị hỏng nặng. Các tỉnh bạn đã rất tích cực giúp đỡ đồng bào Thủ đô về tre nứa, Ủy ban đang tổ chức vận chuyển về nhanh để sớm khôi phục nhà cho dân"… "Tiếp sau Hòa Bình, Hà Tây, Quảng Ninh trợ giúp Hà Nội, vừa qua các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phú đã giúp Hà Nội có thêm vật liệu để dựng nhà ở tạm. Cụ thể Yên Bái giúp 20 nghìn cây tre, 30 nghìn cây vầu, 300m3 gỗ các loại; Vĩnh Phú 100 nghìn cây tre, 1 triệu tàu lá cọ, 1 nghìn m3 gỗ; Tuyên Quang giúp 50 vạn cây nứa, 500m3 gỗ". (Trích báo cáo của Ủy ban Hành chính thành phố tại kỳ họp bất thường của HĐND TP ngày 16-1-1973). |