Bất ngờ với Giải thưởng Văn nghệ dân gian 2011
Văn hóa - Ngày đăng : 06:38, 30/12/2012
Ông hiện là Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam, thành viên Hội đồng Giải thưởng Hội VNDG Việt Nam 2011. Người quê Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc nhưng như ông nói vui, kể từ khi ra trường, lên Lào Cai năm 1979 đến nay chưa "xuống núi". Báo Hànộimới gửi tới bạn đọc cuộc chuyện trò thú vị với nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn.
- Thưa TS Trần Hữu Sơn, cơ duyên nào khiến một người miền xuôi như ông nguyện gắn bó với vùng biên giới để nghiên cứu, lưu giữ lại vốn văn hóa của đồng bào các dân tộc?
- Thời sinh viên tôi đã rất mê khi được nghe Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn kể chuyện điền dã, kho tàng phong tục, tập quán, văn hóa các dân tộc. Rồi tôi chọn chuyên ngành dân tộc học. Năm 1979, tôi lên Lào Cai và đến nay chưa "xuống núi". Tôi chọn Lào Cai vì là một tỉnh có nhiều thành phần dân tộc nhất toàn quốc lúc đó. Hơn nữa, đây cũng tiện đường tàu để về thăm quê. Phong trào VNDG Lào Cai lúc đầu rất phát triển với các tên tuổi như cụ Doãn Thanh, Dín Siềng… Sau khi tái lập tỉnh, Chi hội VNDG mới thành lập năm 1996 do tôi làm Chi hội trưởng, lúc đầu chỉ có 3 thành viên, đến nay đã có 23 hội viên.
- Hoạt động của chi hội có điểm gì nổi bật nhất, thưa ông?
- Đó là khối lượng công trình đã xuất bản ở trong và ngoài nước không kém gì một viện nghiên cứu. Trong đó, nội dung tập trung vào người Mông, Dao, đặc biệt là những dân tộc được ít người chú ý nhất như người Kháng, Bố Y, La Chí, Pa Dí… Chúng tôi tiếp tục các công trình nghiên cứu, khai thác vốn văn hóa các dân tộc đã có người đặt nền móng nhưng chưa sâu. Đến nay, Chi hội VNDG Lào Cai đã xuất bản 3 tập trong tổng số 15 tập "Truyện cổ người Dao" dự định ấn hành. Kho tàng này cho thấy những vốn dân gian rất đặc sắc của người Dao như những bài ca giáo lý nhằm dạy trẻ từ nhỏ đến 18 tuổi. Có lẽ nhờ hình thức này mà trong cộng đồng người Dao, ít thấy người nghiện hút, phạm tội. Người Dao cũng là một trong những cộng đồng giữ được vốn văn hóa đậm đà nhất.
- Hội VNDG Việt Nam có khoảng 70% hội viên trên 60 tuổi. Nhưng Chi hội VNDG Lào Cai lại có đến trên 70% hội viên mới xấp xỉ 30 tuổi. Chủ trương trẻ hóa được thực hiện như thế nào, và trẻ hóa có đồng nghĩa với chất lượng không, thưa ông?
- Đúng là chi hội chúng tôi đa phần là hội viên trẻ tuổi. Có những hội viên kết nạp khi mới 25 tuổi, nhưng đó là những người rất xuất sắc, thể hiện qua các bài viết đoạt giải cao trên Tạp chí Dân tộc học, qua các cuộc thi, các công trình nghiên cứu…
Bên cạnh việc tìm kiếm, bồi dưỡng hội viên trẻ, chúng tôi luôn mạnh dạn tạo điều kiện cho các bạn trẻ xây dựng dự án, tham gia đề tài. Có một cách thức truyền lửa đam mê rất hiệu quả là tranh thủ các GS, TS giỏi. Với thuận lợi là có vùng du lịch nổi tiếng Sa Pa nên mỗi khi các chuyên gia về lĩnh vực này tới đây, chúng tôi luôn tranh thủ mời họ giảng dạy. Trong số này, có thể kể các nhà Việt Nam học, nhà dân tộc học nổi tiếng thế giới như TS Salemink Oscar (Trường ĐH Amsterdam), TS Christian Culas (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp - CNRS), TS Kashinaga Masao (Trường ĐH Tokyo Nhật Bản)…
- Nhân nói về tập huấn, bồi dưỡng, ông có nhận xét gì về vai trò của tập huấn đối với sự thành công của các tác giả?
- Phải nói là các lớp tập huấn của hội chưa nhiều, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của hội viên, song đã mang lại hiệu quả cụ thể. Năm nay, bên cạnh lực lượng cán bộ giảng dạy chuyên nghiệp đoạt giải cao thì những cán bộ nghiên cứu người dân tộc thiểu số cũng gây bất ngờ cho Hội đồng giải thưởng. Công trình đoạt giải của họ cho thấy các tác giả đã áp dụng phương pháp nghiên cứu mới thu nhận được qua các lớp tập huấn. Rõ nhất là tỉnh Điện Biên, sau 3 đợt tập huấn kỹ vào năm 2010 đã xuất hiện một loạt giải thưởng cao. Tiêu biểu như chị Lương Thị Đại, một người Thái am hiểu chữ Thái cổ, phong tục Thái. Bằng lối miêu thuật mới, bố cục tốt, công trình về lễ hội của chị thể hiện tính chuyên sâu, chất lượng cao.
Một trường hợp khác rất thú vị là anh Tòng Văn Hân, một người Thái mới học hết phổ thông, ở nhà làm ruộng nhưng lại rất yêu văn nghệ. Thấy kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc mình quá phong phú, anh Hân đã nhiều lần sưu tầm, viết giới thiệu gửi dự thi, nhưng thời gian đầu chỉ nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích của hội. Tuy nhiên, sau khi được các chuyên gia giảng dạy về cách nghiên cứu văn hóa dân gian, đại ý là phải phân tích mổ xẻ từ nhiều góc cạnh, anh đã công bố hai công trình gây ngỡ ngàng cho Hội đồng giải thưởng. Đó là công trình nghiên cứu quả Còn (năm 2010). Năm nay là công trình về món "Chéo" được nhìn dưới nhiều góc độ như chức năng, công dụng, cấu trúc, loại hình… Xu hướng đi từ một vấn đề nhỏ để khái quát với nhiều chiều cạnh như cách làm của anh Hân, đến nay ở hội vẫn rất ít người biết áp dụng. Vì vậy, chúng tôi đánh giá tác giả này sẽ đi xa nếu được bồi dưỡng nhiều hơn.
- Xin chân thành cảm ơn ông!