Sẽ không nương tay với sai phạm trong công tác kiểm toán
Kinh tế - Ngày đăng : 07:34, 29/12/2012
- Thưa ông, sau sự kiện hai tập đoàn kinh tế nhà nước Vinashin, Vinalines gây thất thoát lượng lớn vốn, tài sản, năm 2013 KTNN có kế hoạch kiểm toán như thế nào đối với các tập đoàn, tổng công ty?
- Để xảy ra sự việc như Vinashin, Vinalines hay tình trạng DN khai thác tài nguyên hàng chục năm nhưng không có giấy phép là do trước đây, việc kiểm toán DN, NH, tổ chức tài chính không được thực hiện thường xuyên. Có những đơn vị hàng chục năm mới kiểm toán một lần. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đặt ra mục tiêu, trong vòng 3 năm tới, sẽ kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và NH thương mại. Năm 2013, chúng tôi tập trung nhân lực để kiểm toán 28 đầu mối, trong đó có các tập đoàn: Than khoáng sản, Dệt may, Dầu khí, Điện lực, Viễn thông; 3 NHTM nhà nước gồm VietinBank, Vietcombank và Agribank; 16 tổng công ty; 2 công ty TNHH MTV....
Kiểm toán thường xuyên sẽ giúp tránh những thất thoát, sai phạm nghiêm trọng như đã từng xảy ra tại Vinashin.
- Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, kết luận của KTNN còn“nương tay”, tạo dư luận rằng việc kiểm toán các “đại gia” chỉ thực hiện theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Theo Luật Kiểm toán, chức năng của KTNN là xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán vốn đầu tư, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước… Trong các kết luận, chúng tôi đều kiến nghị tăng thu, giảm chi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, KTNN đã hoàn thành 160 cuộc kiểm toán, kết luận 98 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính gần 9.090 tỷ đồng...
- Trên thực tế, báo cáo của KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước. Vậy vì sao số vụ vi phạm mà KTNN gửi sang cơ quan điều tra lại quá “khiêm tốn”?
- Đúng là trước đây, rất hiếm trường hợp KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra sự việc, một phần là do vụ việc phát hiện được chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm đã chủ động khắc phục hậu quả. Mặt khác, KTNN cũng không phát hiện được nhiều vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, KTNN vẫn còn né tránh, kết luận “đao to, búa lớn” nhưng xử lý lại nhẹ nhàng.
Năm 2012, KTNN đã chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm 4 vụ việc, trong đó có vụ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gửi tiền sai quy định tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) đến nay chưa thu hồi được cả vốn lẫn lãi (hơn 1.000 tỷ đồng). Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra vụ việc.
- Năm 2013, với kế hoạch kiểm toán quy mô đồ sộ, động chạm tới nhiều lĩnh vực “nhạy cảm”, liệu có nhiều vụ việc được KTNN chuyển sang cơ quan điều tra không, thưa ông?
- Theo kế hoạch, KTNN tập trung kiểm toán những lĩnh vực có nhiều nguy cơ dẫn tới tham nhũng, lãng phí, thất thoát, như quản lý, sử dụng đất gắn với các dự án phát triển nhà và đô thị, kinh doanh bất động sản; quản lý khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; việc miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và công tác chống thất thu ngân sách gắn với hoạt động chuyển giá của DN… Vì vậy, dự kiến số vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự chắc chắn sẽ không ít. Tuy nhiên, chúng tôi không mong muốn có nhiều vụ việc phải gửi sang cơ quan điều tra để khởi tố hình sự. Theo quy định, kết luận của KTNN phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, đúng người, đúng tội, không bỏ sót vi phạm nhưng cũng không vì đơn vị được kiểm toán có vi phạm mà kết luận có tính chất “vùi dập”. Vụ nào có dấu hiệu vi phạm hình sự, KTNN sẽ chuyển sang cơ quan công an, còn lại kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
- Xin cảm ơn ông!