Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Niềm tự hào của cả dân tộc
Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 29/12/2012
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu 12 ngày, đêm đánh máy bay B-52 của Mỹ. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Tại buổi gặp, các vị lãnh đạo quân chủng Phòng không - Không quân, cựu chiến binh dân quân tự vệ trực tiếp tham gia chiến dịch ngày ấy đã cùng nhớ lại những ngày tháng hào hùng lịch sử 40 năm về trước. Nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của chiến thắng, các đại biểu nguyện phát huy truyền thống quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân chủng, kiên định vững vàng trong mọi tình huống đoàn kết một lòng, thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Biểu dương chiến công ngàn đời không quên của các anh hùng, chiến sỹ, dân quân tự vệ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh 40 năm nhìn lại, Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - niềm tự hào của cả dân tộc, mãi là nguồn lực tinh thần lớn lao, sâu sắc, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước đề nghị cán bộ chiến sĩ Phòng không - Không quân tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, xây dựng quân chủng "cách mạng - chính quy - tinh nhuệ - hiện đại", xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch nước tin tưởng trong mọi hoàn cảnh, những cựu chiến binh, dân quân tự vệ sẽ luôn là tấm gương sáng, điểm tựa tinh thần, niềm tự hào cho cán bộ chiến sĩ, quân chủng Phòng không - Không quân.
* Trước đó, chiều 28-12, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng PK-KQ) đã tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia cho Hầm chỉ huy của sư đoàn.
Hầm chỉ huy của Sư đoàn 361 được xây dựng năm 1965, mang mật danh K1, với diện tích 850m2. Đây là trung tâm điều hành, chỉ huy chiến đấu của Sư đoàn. Từ Sở Chỉ huy này, Sư đoàn Phòng không 361 đã hiệp đồng tác chiến đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch, bảo vệ Hà Nội. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, tại hầm chỉ huy này, Đảng ủy Sư đoàn Phòng không 361 đã ra Nghị quyết chuyên đề về đánh máy bay B-52. Ngày 21-9-1972, phương án đánh máy bay B-52, bảo vệ Hà Nội của Sư đoàn đã được thông qua tại Hầm chỉ huy K1. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, tại Sở Chỉ huy Sư đoàn phòng không 361, kíp trực chỉ huy chiến đấu rút gọn đã ngày đêm SSCĐ, hỗ trợ chỉ huy, cùng với các lực lượng của Quân chủng PK-KQ, quân dân Thủ đô và các địa phương, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng lừng lẫy "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
* Tối 28-12, Huyện đoàn Sóc Sơn tổ chức chương trình giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử từng làm phi công lái máy bay chiến đấu với B-52 của đế quốc Mỹ năm 1972 với cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện, thiết thực kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Tại chương trình, gần 1.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên huyện Sóc Sơn đã được Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Lan, Đại tá Dương Đình Thảo, nguyên Chính ủy Trung đoàn 261 tên lửa Tây Bắc Hà Nội, Thượng tá Vũ Đình Rạng kể những câu chuyện, tái hiện lại cuộc chiến đấu 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Nhân dịp này, Ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: 40 năm oanh liệt và tự hào" huyện Sóc Sơn đã trao giải cho 13 tập thể, cá nhân có bài thi xuất sắc. Huyện đoàn Sóc Sơn cũng tặng quà cho 20 cựu chiến binh từng tham gia trận chiến đấu 12 ngày đêm trên "bầu trời" Hà Nội năm 1972.