Tạo chuyển biến mạnh về cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 29/12/2012
Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2013 nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản sẽ sụt giảm cả về giá trị và sản lượng. Khắc phục những khó khăn, tồn tại và khai thác tiềm năng của lĩnh vực NN là nội dung chính được bàn thảo tại buổi tổng kết do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 28-12. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo hội nghị.
Những mặt hàng xuất khẩu giá trị cao
Sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, cộng với khủng hoảng nợ công của EU có chiều hướng gia tăng đã tác động tiêu cực đối với thị trường nông sản xuất khẩu. Giá nhiều mặt hàng liên tục giảm, nhất là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: gạo, cà phê, cao su… Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm lợi ích kinh tế cho nông dân, Chính phủ, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, kết hợp với việc chủ động giải quyết các rào cản thương mại và sự năng động của các DN, nên kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hầu hết mặt hàng nông sản đều tăng mạnh. KNXK toàn ngành NN năm 2012 ước đạt 27,54 tỷ USD (tăng 9,7% so với năm trước), riêng KNXK các mặt hàng nông sản đạt 15 tỷ USD. Lần đầu tiên từ sau năm 1993, NN Việt Nam xuất siêu đạt 10,6 tỷ USD.
Đóng góp vào thành công của ngành NN là sự đột phá của một số mặt hàng chủ lực. Năm 2012, được coi là năm thành công với XK gạo, khi Việt Nam vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số một thế giới, đạt 8,1 triệu tấn với giá trị 3,7 tỷ USD. KNXK cà phê cũng vươn lên vị trí số một thế giới, đạt giá trị 3,74 tỷ USD. Kế tục truyền thống nhiều năm, XK tiêu vẫn giữ vị trí số một thế giới, sản lượng đạt 118.000 tấn, chiếm 50% thị trường thế giới. Việt Nam cũng tiếp tục giữ vững vị trí XK hạt điều nhân lớn nhất thế giới, với sản lượng điều XK ước đạt 223 ngàn tấn, 1,483 tỷ USD.
Trong số 22 mặt hàng có KNXK đạt trên 1 tỷ USD, NN đóng góp 6 mặt hàng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, NN hiện là ngành kinh tế trụ cột của cả nước trong điều kiện kinh tế hiện nay với nhiều sản phẩm thế mạnh, năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Đối diện nhiều khó khăn
Theo dự báo, năm 2013 kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và tăng trưởng chậm. Thương mại và giá cả hàng nông sản trên thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp và có thể vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ khó lường, tác động mạnh đến sản xuất nông, lâm, thủy sản. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến thời điểm này, vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo số lượng lớn nào được chuyển qua năm 2013. Hiện các doanh nghiệp chủ yếu XK thông qua hợp đồng thương mại, số lượng nhỏ, giá thấp và rủi ro cao. Mặt hàng cà phê cũng được dự báo sẽ giảm sản lượng nhiều so với năm 2012. Trong khi đó, nhiều mặt hàng thủy sản thế mạnh chưa đáp ứng các tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU,…
Đại diện các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng... đề nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đầu tư tương xứng cho ngành NN. Hiện các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thấp; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành này cũng giảm sút, trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, để ngành NN phát triển, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn có ý nghĩa rất quan trọng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, ngành NN phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm sự phát triển bền vững. Những năm tiếp theo, tỷ lệ NN trong cơ cấu kinh tế sẽ giảm dần, song giá trị thu được phải tăng lên; các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch sản xuất, phát triển tập trung những sản phẩm thế mạnh, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trên thế giới.
Mục tiêu năm 2013 của ngành nông nghiệp là, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,8 - 3,0%; giá trị sản xuất tăng 3,7- 4,0%; tổng KNXK đạt 28,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng là 40,5%; sản lượng lúa đạt 82 triệu tấn; sản lượng thủy sản là 5,9 triệu tấn...