Học gì từ KIST?
Công nghệ - Ngày đăng : 07:22, 28/12/2012
"Nơi ánh sáng không bao giờ tắt"
Đó là chia sẻ của TS Choi Huyng Sup, Viện trưởng đầu tiên của KIST, về không khí làm việc của các nhà khoa học ở đây nhằm đưa cơ sở khoa học này tạo dựng thành công như ngày nay. KIST được coi là tổ chức tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển KHCN, động lực chính trong sự vươn lên thần kỳ của Hàn Quốc trong 40 năm trở lại đây. Được đánh giá là nằm trong tốp 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới hiện nay, những nghiên cứu của KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nước này.
Giới thiệu các thành tựu nghiên cứu khoa học tại Viện KHCN Hàn Quốc. Ảnh: Thế Dũng |
Ông Lee Young Ho, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (thuộc KIST) cho biết, KIST ra đời năm 1966 trên cơ sở thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Hàn Quốc. Lãnh đạo Hàn Quốc khi đó đặc biệt quan tâm đến KHCN và khi bắt tay xây dựng KIST vào năm 1967, tổng thống nước này mỗi tháng đến đây một lần để kiểm tra tiến độ thi công. Nhiều giáo sư Hàn Quốc đang làm việc ở nước ngoài được mời về với chế độ nhà ở, tiền lương cao gấp nhiều lần so với thu nhập chung của xã hội. Từ KIST, nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực đóng tàu, luyện kim, dệt may, chất bán dẫn, điện tử... đã ra đời và chinh phục thế giới qua những thương hiệu như Posco, Hyundai, Samsung, LG...
Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) về mô hình của KIST, để có được thành công như ngày nay, tổ chức này đã nhận được sự hậu thuẫn tối đa từ chính phủ Hàn Quốc thông qua việc chấp nhận một điều chưa từng có tiền lệ khi đó là lập ra một quỹ hiến tặng và vốn hóa quỹ này. Chính phủ yêu cầu cấp nguồn tài chính đủ theo nhu cầu của nhà nghiên cứu, cấp đất và đặt những tài sản này dưới quyền quản trị của một hội đồng được ủy thác mà trong đó đa số thành viên không phải người thuộc bộ máy công quyền. Quốc hội Hàn Quốc cũng thông qua một đạo luật đặc biệt để KIST hoạt động mà không bị ràng buộc bởi các luật khác, kể cả luật ngân sách nhà nước và thời gian đầu KIST không bị kiểm toán. Với những ưu đãi đặc biệt đó, KIST đã tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học người Hàn ở nước ngoài về nước, chủ yếu là từ các cơ quan nghiên cứu của Mỹ, những người này được hưởng mức lương cao hơn nhiều lần so với mặt bằng trong nước.
V-KIST cần gì?
Theo TS Choi Huyng Sup, khi được bổ nhiệm làm Viện trưởng KIST, ông được quyền không chấp nhận bất cứ yêu cầu cá nhân nào trong việc lựa chọn các nghiên cứu viên từ phía quan chức, đại biểu quốc hội. Có vô số yêu cầu cá nhân liên tục được gửi đến nhưng tất cả đều bị TS Choi từ chối. Mặt khác, ông Choi Huyng Sup cũng quan niệm rằng, muốn phát triển KHCN, bên cạnh nhiều việc khác thì cần thay đổi mục tiêu giáo dục để trang bị cho người dân khả năng giải quyết vấn đề, chứ không phải chỉ giúp họ có được bằng cấp. Những quan niệm đúng đắn cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến mô hình KIST thành công.
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, TS Kil Cho Moon, Viện trưởng KIST hiện nay cho rằng, tự chủ là một bí quyết đem lại thành công cho một viện nghiên cứu. Có được điều này trước hết là sự tự do sáng tạo của nhà khoa học và những người quản lý đơn vị này. Ngoài đầu tư tài chính đủ lớn, một vấn đề không thể bỏ qua là nhà khoa học làm việc ở đây phải có cái tâm, làm việc hăng say vì sự phát triển của đất nước.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, Hàn Quốc sẵn sàng cấp vốn ODA để nước ta xây dựng V-KIST. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận đây là một vấn đề không đơn giản, cần được sự ủng hộ từ nhà nước cũng như giới khoa học. Theo kinh nghiệm thành công của KIST, Quốc hội cần thông qua một nghị quyết riêng về V-KIST, coi đây là mô hình thí điểm, phải có luật riêng để không bị vướng các quy định hiện hành khác chưa phù hợp. Việc lãnh đạo quốc gia đỡ đầu cũng rất quan trọng. Ngoài ra, chế độ ưu đãi dành cho nhà khoa học công tác tại đây cần có đột phá. Nếu không hội đủ 3 yếu tố này thì việc thành lập một hay nhiều viện nghiên cứu ở Việt Nam theo cung cách như hiện nay chắc chắn không thu hút được những nhà khoa học ở nước ngoài về phụng sự Tổ quốc.
Rõ ràng, với một cơ chế tài chính KHCN lạc hậu như hiện nay, chế độ đãi ngộ nhà khoa học theo kiểu "cào bằng", tổ chức bộ máy nghiên cứu như đối với đơn vị hành chính, cơ chế quản lý không lấy nhiệm vụ phục vụ làm trọng, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất... thì những việc trước mắt để V-KIST ra đời, phát triển đúng hướng là nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi "người cầm lái" phải kiên định và "vững tay chèo".