Trường hợp nghỉ phép gộp 2-3 năm một lần, giải quyết thế nào?
Xã hội - Ngày đăng : 14:33, 27/12/2012
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của bà Sinh như sau:
Tại khoản 1 Điều 74, Điều 75 và khoản 2 Điều 76 Bộ luật Lao động hiện hành (ban hành năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007) quy định:
Số ngày nghỉ hàng năm hưởng nguyên lương
Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm (còn gọi là nghỉ phép), hưởng nguyên lương theo số ngày như sau:
- 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;
- 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.
Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động, cứ 5 năm được nghỉ thêm một ngày.
Trường hợp được nghỉ gộp 2, 3 năm một lần
Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hàng năm thành nhiều lần.
Người làm việc ở nơi xa xôi hẻo lánh, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ của hai năm để nghỉ một lần; nếu nghỉ gộp ba năm một lần thì phải được người sử dụng lao động đồng ý.
Bên cạnh đó, Điều 13 Luật Cán bộ Công chức quy định cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước được nghỉ hàng năm theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo Điều 13 Luật Viên chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được nghỉ hàng năm theo quy định của pháp luật lao động. Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 3 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, các đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc, công tác tại miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nếu có yêu cầu, thì được gộp số ngày nghỉ của hai năm để nghỉ một lần; nếu nghỉ gộp ba năm một lần thì phải được giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác đồng ý.
Cụ thể, trường hợp bà Nguyễn Thị Sinh đang công tác tại vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2009, bà chưa nghỉ phép năm nào. Nay muốn nghỉ gộp số ngày phép của 2 năm thì làm giấy đề nghị nghỉ phép gửi Phòng Tổ chức - Nhân sự trình Giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan đơn vị để giải quyết. Trường hợp muốn nghỉ gộp số ngày phép của 3 năm phải được Giám đốc doanh nghiệp hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác đồng ý. Những ngày nghỉ phép được hưởng nguyên lương.
Số ngày nghỉ phép được tính theo ngày làm việc, không tính ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ thường xuyên (chủ nhật). Do vậy nếu chỉ được bố trí nghỉ gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm thì mục tiêu nghỉ thời gian 1 tháng của bà Sinh cũng đạt được.