Ký ức về một thời sơ tán

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 27/12/2012

(HNM) - Trong ngôn ngữ tiếng Việt có nhiều từ thể hiện một hành vi tương tự nhau nhưng lại mang những nội hàm khác nhau gắn với mỗi hoàn cảnh lịch sử.



Người Hà Nội đi sơ tán. Ảnh tư liệu

"Tản cư" là từ dùng phổ biến thời Mỹ ném bom quân Nhật đang chiếm đóng ở Đông Dương khiến người dân sống trong các thành phố lớn phải tự động tản đi nơi khác để tránh bom rơi đạn lạc. Ký ức thế hệ cha mẹ tôi kể lại là dân Hà Nội thường đưa gia đình về quê hay nhà khá giả thì rút lên đồn điền hay trang trại của mình ở các tỉnh trung du lánh nạn. Trước và sau ngày Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (đêm 19-12-1946), thì Nhà nước cũng hô hào nhân dân rút ra khỏi Hà Nội, nhiều cán bộ, nhân viên nhà nước đưa con cái ra "Vùng tự do" (tức là khu vực ta còn làm chủ), nhiều người đưa cả gia đình lên chiến khu để tính chuyện kháng chiến "trường kỳ", có nhiều gia đình ở lâu hóa quen rồi định cư lâu dài trên Tuyên Quang, Thái Nguyên hay vào Thanh Hóa.

Ở Hà Nội tham gia chiến đấu "quyết tử", bên cạnh các lực lượng Vệ quốc và tự vệ thành, một bộ phận nhân dân vẫn ở lại. Nơi an toàn nhất trong thành khi đó là khu vực có Hoa kiều sinh sống dọc từ phố Hàng Buồm qua phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) đến gần Cửa Đông. Tết Đinh Hợi (1947) khi hai bên hưu chiến, ta điều đình cho rút bớt dân "tản cư" ra ngoài để tránh thương vong và cũng ngầm chuẩn bị cho ngày thực hiện cuộc "rút lui thần kỳ" ra khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng lên chiến khu kháng chiến lâu dài.

Sau Hiệp định Giơnevơ tạm thời chia đôi nước ta (1954), có hiện tượng di cư để chọn nơi cư trú sau khi hòa bình lập lại. Đối phương tuyên truyền dân Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc di cư vào Nam để tìm "thế giới tự do" theo kiểu Mỹ. Không chỉ lấy cớ Chúa di cư vào Nam nên giáo dân cũng phải theo vào để giữ Đạo, chúng còn cho người đánh mìn phá đổ chùa Một Cột gây hoang mang cho cả phật tử... Vì thế có cuộc "di cư" khá đông. Chợ Giời hình thành từ đấy, lúc đầu họp dọc hồ Halais (Thuyền Quang) sau này mới rút về nơi hiện tại. Ai di cư thì mang đồ đạc đến đấy bán rẻ, bán tống bán tháo trong 300 ngày, theo quy định của Hiệp định đình chiến thì cửa biển Hải Phòng hay phi trường Gia Lâm còn mở đường đi lại Nam Bắc tính từ sau ngày 10-10-1954 ta tiếp quản Hà Nội.

"Di tản" là cách dùng phổ biến thời kỳ sau này, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ sắp kết thúc, ta đánh lớn ở các tỉnh phía Nam. Sau trận Buôn Ma Thuột, đối phương "vỡ trận", lúc đầu là một mệnh lệnh quân sự "tùy nghi di tản" sau thành một hội chứng của sự sụp đổ chế độ. "Di tản" là từ dùng chung của người dân; không chỉ chạy ra khỏi vùng chiến sự mà sau ngày đất nước thống nhất, thì còn dùng cho hiện tượng một số người tìm cách vượt biển ra nước ngoài, lúc đầu là lánh nạn sau là định cư lâu dài.

Chỉ có trong thời chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ sử dụng không quân và pháo binh của hải quân tấn công miền Bắc nước ta, vừa để ngăn chặn sự tiếp tế về người và phương tiện vào Nam, lại vừa tiêu hao gây mất ổn định hậu phương miền Bắc, thì mới xuất hiện hai chữ "sơ tán". Dịch nôm từ này là tạm thời tản (phân tán) ra, làm giảm mật độ dân số để hạn chế tác hại của bom đạn đối phương. Nhưng sâu xa hơn là phân bố lại lực lượng dân cư để bảo đảm chiến đấu lâu dài, bảo tồn lực lượng và vẫn kiên trì chuẩn bị cho ngày chiến thắng để "xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn" như Di chúc của Cụ Hồ nhắn lại. Câu chữ đơn giản, chỉ là "sơ tán" nhưng lại chứa đựng cả một niềm tin vào tương lai khi cho rằng đấy chỉ là một giải pháp quan trọng nhưng tạm thời mà thôi.

Do vậy mà, khác với thời "tản cư" thường thì "bầu đoàn thê tử" theo từng gia đình tới nơi mới vừa lánh nạn, đôi khi lại lập nghiệp để sống lâu dài. Thời "sơ tán" thì cũng có nhiều dạng thái. Khi Mỹ đánh phá ác liệt vùng giới tuyến thì ở Quảng Bình, Vĩnh Linh những người khỏe mạnh ở lại bám đất đánh giặc, còn người già, con trẻ thì được tổ chức đưa ra Thanh - Nghệ hoặc xa hơn về phía Bắc, nơi chiến tranh cũng dần leo thang ác liệt nhưng vẫn đỡ hơn vùng giới tuyến máu lửa. Khi Mỹ mở rộng đánh phá thì một số cơ sở giáo dục đặc biệt của chúng ta như các trường dành cho con em cán bộ đi chiến trường, con em liệt sĩ được chuyển sang bên kia biên giới phía Bắc cho tuyệt đối an toàn.

Khi máy bay Mỹ đánh vào các thành phố thì mới có chủ trương sơ tán, trước hết là các trường học, sau đến các cơ sở sản xuất, rồi các cơ quan, công sở... Sơ tán không hẳn theo gia đình mà tùy gia cảnh nhưng quan trọng nhất là vẫn phải bảo đảm công việc sản xuất, học tập và duy trì mọi hoạt động xã hội theo thời chiến. Bởi vậy mà nhiều gia đình phải phân tán mỗi người một nơi. Ông bà có thể về quê, cha mẹ đi theo đơn vị công tác, trẻ con thì đứa bé phải theo cha hay mẹ, còn đứa lớn thì đến nơi nào có trường lớp hay theo trường mình đang theo học. Đối với thế hệ chúng tôi, thì "sơ tán" là một trải nghiệm trong đời và một phần trong ký ức của mình.

Tôi còn nhớ, sau khi tốt nghiệp phổ thông khóa học 1963-1964, vừa biết kết quả thi đại học xong; tự thưởng cho mình một chuyến đi chơi rừng Cúc Phương cùng anh bạn học có người thân đang công tác tại đó thì chiến tranh lan ra miền Bắc. Ngày 5-8-1964, đúng lúc đang ngồi trên xe lửa cập ga Ninh Bình thì thấy loa báo tin thời sự: máy bay Mỹ vừa ném bom Vinh và Quảng Ninh. Nhưng những cuộc ném bom được dừng lại cho đến đầu tháng 2-1965. Hà Nội bình thường, nhưng âm ỉ chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ đến. Người ta lắp vào chao đèn đường những thiết bị hạn chế ánh sáng. Các khối phố tập phương án phòng không. Ngoài hệ thống loa đặt ngoài trời, những chiếc loa nhựa hình vuông màu trắng được lắp đặt trong nhiều gia đình và nằm trong hệ thống truyền thanh của Thủ đô, sau này ngoài việc nghe đài thì đó là phương tiện báo động tốt nhất.

Tuy nhiên, chiến tranh phá hoại ban đầu chưa động đến Thủ đô. Các trận đánh ác liệt ở quanh vùng "cán xoong" miền Trung để khống chế đường tiếp tế từ Bắc vào Nam. Trận đánh cầu Hàm Rồng (4-1965) ác liệt nhằm hạ gục tuyến đường bộ qua sông Mã gần Hà Nội hơn. Ngày hôm đó, tôi nhớ lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy các phi đội máy bay MIG 17 bay qua bầu trời Hà Nội. Hè năm ấy, từ khu tập thể Mễ Trì của sinh viên Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi tham gia vào một đoàn "tiền trạm" lên Đại Từ, Bắc Thái để nhận đất và làm quen với địa điểm mà dự kiến Trường Tổng hợp sẽ lên sơ tán nếu chiến tranh lan đến Hà Nội.
(Còn tiếp)

Dương Trung Quốc