Mở rộng kênh phân phối, chiếm lĩnh thị phần

Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 26/12/2012

(HNM) - Nhiều năm qua, Tập đoàn Dệt may (DM) Việt Nam (Vinatex) đã tập trung phát triển và có kế hoạch khai thác thị trường trong nước. Cùng với những kết quả đáng khích lệ từ cuộc vận động (CVĐ)

Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty May Đức Giang. Ảnh: Linh Ngọc


Trước áp lực cạnh tranh từ hàng nhập ngoại giá rẻ và sức mua của người dân giảm mạnh, các DN DM đã có sự điều chỉnh khi đầu tư thỏa đáng cho phân khúc thị trường trong nước và bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Tổng Công ty May Đức Giang là một trong những đơn vị điển hình trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng DM ở thị trường trong nước và đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với năm 2011. Hiện các mặt hàng bán chạy của DN là đồng phục, bảo hộ lao động các loại và sản phẩm thời trang. Đạt được kết quả này là do Đức Giang tập trung đẩy mạnh khâu thiết kế, xây dựng lại bộ nhận diện thương hiệu, quy chế quản lý thương hiệu, mở rộng hệ thống bán hàng cho các siêu thị Big C, Vinatexmart, đưa hàng vào chợ truyền thống… Để hàng DM vào được chợ truyền thống, Đức Giang đã có những biện pháp linh hoạt hơn trong giao dịch với tiểu thương, có cơ chế theo dõi tại chợ, bảo hành cho sản phẩm, chăm sóc khách hàng…

Nhiều năm qua, Vinatex đã thành lập hệ thống siêu thị bán lẻ Vinatexmart. Trước đây, hệ thống cửa hàng, đại lý của các DN DM chỉ có mặt ở những thành phố lớn, nay NTD đã dễ dàng tìm thấy hệ thống bán lẻ hàng may mặc ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, để phát triển mạng lưới phân phối, góp phần nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho hoạt động đưa hàng về nông thôn, Vinatex đã thành lập hệ thống siêu thị Vinatexmart với 82 điểm bán hàng tại 24 tỉnh, thành phố, ngành hàng chủ lực là các sản phẩm DM nội, do các công ty thành viên của tập đoàn và các DN ngoài tập đoàn sản xuất. Được biết, Vinatex đang tiếp tục mở rộng quy mô hệ thống và khai trương các siêu thị, cửa hàng, từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển 200 điểm bán hàng vào năm 2015, nhằm hỗ trợ các đơn vị DM trong nước tăng doanh thu nội địa.

Ngoài hệ thống siêu thị Vinatexmart, các đơn vị thành viên của tập đoàn như Việt Tiến, May 10, Đức Giang, Hanosimex, Phong Phú… cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng, đại lý giới thiệu sản phẩm về khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 4.000 điểm bán hàng. Nhờ đó, nhiều năm liền doanh thu nội địa của Vinatex luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 15-20%. Năm 2012, trước tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu nội địa của Vinatex dự kiến đạt mức tăng trưởng khoảng 10%.

Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt kết quả cao hơn nữa, Vinatex kiến nghị, Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo CVĐ tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi NTD; ban hành các chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành DM phù hợp với quy định của WTO. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các chương trình giới thiệu quảng bá sản phẩm thương hiệu và xây dựng mạng lưới phân phối; ban hành cơ chế cho phép DN có thể sử dụng miễn phí 2-3 năm các khu vực chợ đầu mối đã được Nhà nước đầu tư tại các địa phương nhưng chưa khai thác hết…

Thanh Hiền