Giãn, giảm đồng loạt thuế thu nhập doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 26/12/2012

(HNM) - Trong bối cảnh năm 2012 đối mặt với nhiều khó  khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,5%. Song, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục phải đối phó với nhiều rủi ro.

* Đề xuất 9 giải pháp phát triển kinh tế bền vững lTập trung hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và giải quyết hàng tồn kho
(HNM) - Trong bối cảnh năm 2012 đối mặt với nhiều khó  khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,5%. Song, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục phải đối phó với nhiều rủi ro.

Việc tìm ra hướng đi phù hợp nhằm khẩn trương tái cơ cấu nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Đây là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 25-12 về triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức song với việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa hiệu quả, GDP cả năm 2012 ước tăng 5,03%, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,5%, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, nhập siêu giảm, dự trữ ngoại tệ tăng…

Tuy nhiên, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế nước ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô lớn, nợ xấu ngân hàng ở mức cao, sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách…

Để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề xuất 9 nhóm giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành. Giải pháp đầu tiên là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thông qua thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả và chính sách tài khóa theo hướng chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm. Giải pháp thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD thông qua việc hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng với lãi suất hợp lý đồng thời với việc triển khai đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Việc tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho sẽ được thực hiện thông qua việc phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam. 7 nhóm giải pháp còn lại gắn liền với các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng…

Gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu được triển khai với việc tiếp tục giãn, giảm đồng loạt thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của quý I, II và III năm 2013; gia hạn nộp 6 tháng với thuế giá trị gia tăng; hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường; giảm 50% tiền thuê đất… cho một số đối tượng DN, dự kiến các DN sẽ có thêm nguồn vốn lưu động phục vụ SXKD. Đặc biệt, Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 1-7-2013 (mức hiện hành là 25%) đối với DN có quy mô vừa và nhỏ sớm hơn dự kiến 6 tháng.

Theo Bộ Tài chính, gói giải pháp tổng thể nêu trên dự kiến sẽ giúp cộng đồng DN có thêm khoảng 34.000 tỷ đồng tiền vốn lẽ ra phải nộp vào ngân sách nhà nước. Việc thực hiện các giải pháp trên sẽ khiến NSNN năm 2013 giảm thu khoảng 5.000 tỷ đồng, song là giải pháp thiết thực, kịp thời hỗ trợ cộng đồng DN.

Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất. Ảnh: Huy Hùng

Khó khăn vẫn ở phía trước

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia tư vấn về các chính sách nhằm thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH năm 2013, mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2012 đạt một số kết quả khả quan, song cộng đồng DN đang trong tình trạng rất khó khăn, nguồn lực vơi cạn, SXKD bị thu hẹp. Trong khi đó, dự báo kinh tế thế giới năm 2013 tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro tại các "đầu tàu" kinh tế trên thế giới như Mỹ và khu vực Châu Âu.

Để triển khai mục tiêu phát triển KT-XH của Chính phủ năm 2013, các địa phương đã đề xuất những khuyến nghị quan trọng. UBND TP Hà Nội cho rằng, hai vấn đề nổi bật cần giải quyết hiện nay là nợ xấu và hàng tồn kho. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đề xuất Chính phủ xem xét phê duyệt đề án xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất tín dụng và thiết lập các gói tài chính hỗ trợ DN. Chính phủ nghiên cứu cơ chế, chính sách để thực hiện Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua. UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Thủ đô trong giai đoạn mới…

Năm 2013, nhiều giải pháp mạnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN sẽ được tiếp tục triển khai với mục tiêu giúp cộng đồng DN từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp tích cực cho nền kinh tế, qua đó khôi phục đà tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tiếp theo.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2013


Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn năm 2012. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%.

Hương Ly