Bài 3: Khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 06:17, 27/11/2022
Còn tâm lý né tránh, ngại va chạm
Để đánh giá hiệu quả việc triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân” được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 25-5-2017, đoàn khảo sát của Thành ủy đã khảo sát thực tế tại 7 quận, huyện nhằm trực tiếp đánh giá hiệu quả của hoạt động tiếp xúc, đối thoại, đồng thời lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành, Trưởng đoàn khảo sát của Thành ủy về triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU cho biết, bên cạnh những thành công, quá trình triển khai tại các địa phương, đơn vị cũng còn tồn tại, hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền tại một số nơi còn chưa được coi trọng; còn lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại...
Đồng chí Trịnh Huy Thành cũng nhấn mạnh thêm, kết luận một số hội nghị đối thoại còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và thời gian giải quyết; hiệu quả của việc giám sát kết luận sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa cao. Đáng chú ý, tại một số địa phương, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo kết quả các hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp trên để nắm tình hình chưa kịp thời dẫn đến chậm giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành thông tin, sau đợt khảo sát thực tế tại các quận, huyện, Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức buổi tọa đàm, mời thường trực 30 quận, huyện, thị ủy tham dự. Tại diễn đàn này, lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất, kiến nghị của địa phương với Ban Thường vụ Thành ủy nhằm giúp hoạt động tiếp xúc, đối thoại ngày càng đi vào thực chất.
Những kinh nghiệm quý từ cơ sở
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành, từ thực tiễn triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU, có thể đúc rút 5 bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hoạt động tiếp xúc, đối thoại tại cơ sở.
Đầu tiên, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, sự vào cuộc chủ động, mang tính nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội trong tổ chức đối thoại; bám sát mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, quy trình đối thoại theo quy định hiện hành. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền theo nguyên tắc “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả).
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác tiếp xúc, đối thoại; coi kết quả thực hiện tiếp xúc, đối thoại là tiêu chí đánh giá chất lượng cấp ủy, tổ chức Đảng và là tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, yếu tố quan trọng là phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để nảy sinh các “điểm nóng”, các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quốc Oai Đàm Công Lợi cho rằng, cùng với việc thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy tối đa trí tuệ, sức mạnh của nhân dân cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng hệ thống chính trị của địa phương trong sạch, vững mạnh.
Những kết quả và bài học kinh nghiệm mà các địa phương, đơn vị thu được sau 5 năm triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU là cơ sở quan trọng để Thành ủy Hà Nội xác định rõ hơn phương hướng, mục tiêu quan trọng, từ đó ban hành cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông “điểm nghẽn”, có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
(Còn nữa)