Kinh tế - xã hội năm 2012 le lói hai “điểm sáng”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 25/12/2012
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 đạt chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua. Ảnh: Thanh Hải |
Sản xuất công nghiệp giảm, tồn kho lớn
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 chỉ tăng 5,03% so với năm 2011. Đây là kết quả cách xa những dự đoán của các cơ quan quản lý. Trong năm đã có hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, từ 6-6,5% xuống 5,5%; cách đây một tháng cơ quan chức năng vẫn xác định mức tăng khoảng 5,2%. Thực tế này cho thấy sự suy giảm khá sâu của nền kinh tế do nhiều khó khăn trong duy trì sản xuất, khó tiếp cận nguồn vốn hoặc phải vay vốn với lãi suất cao của hầu hết ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp giảm sút là nguyên nhân lớn nhất khiến GDP không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2012 đạt 4,8%, là mức thấp so với nhiều năm gần đây. Trong khi đó, tồn kho tại thời điểm đầu tháng 12-2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất xe có động cơ (tăng 76,6%); dây, cáp điện (tăng 56,8%); mô tô, xe máy (tăng 42,1%); may trang phục (tăng 41,5%); phân bón và hợp chất ni tơ (tăng 40,8%); xi măng (tăng 30,6%); chế biến và bảo quản thủy sản (tăng 28,6%). Sự tồn kho nói trên thực ra đã tích tụ từ thời gian trước, khi
một số ngành không được định hướng rõ hoặc không tuân thủ quy hoạch chung như ngành thép, xi măng, bất động sản… Từ đó, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã "trót rơi" vào đây chưa thấy đường thoát. Nhiều khu công nghiệp không còn sức hấp dẫn nhà đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm công suất khiến hàng chục nghìn công nhân thất nghiệp hoặc thiếu việc làm thường xuyên…
Dây, cáp điện là một trong những sản phẩm tồn kho nhiều. Ảnh: Thanh Hải |
Hai “điểm sáng”
Các chuyên gia đánh giá, trong hoàn cảnh đầy thách thức của nền kinh tế, năm 2012 đã xuất hiện hai điểm sáng. Trước hết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm chỉ tăng 6,81% so với năm ngoái. Đây là mức tăng CPI lý tưởng, diễn ra theo hướng giảm dần trong các tháng cuối năm, đạt chỉ tiêu được Quốc hội thông qua từ đầu năm. Chính phủ đã thành công trong kiềm chế CPI dưới áp lực tăng giá, với nhiều yếu tố bất ổn diễn ra suốt năm. Có chuyên gia cho rằng đây là thành công ngoạn mục - dấu ấn kinh tế năm 2012. Ngoài ra, thị trường vẫn bảo đảm sự ổn định, với nguồn cung hàng hóa phong phú, mức giá đa dạng đáp ứng nhu cầu của các giới tiêu dùng. Đặc biệt, nhóm hàng lương thực, thực phẩm có mức tăng thấp hơn mức tăng chung, trong khi năm 2011 đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung; từ đó góp phần bình ổn đời sống của đại đa số cộng đồng dân cư.
Xuất khẩu là điểm sáng xuyên suốt các tháng của năm. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm ngoái và hơn 1,5 lần so với dự kiến đầu năm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 72 tỷ USD. Một số mặt hàng tiếp tục đặt dấu ấn trên thị trường quốc tế, gồm: hàng điện tử và linh kiện, nông sản, đồ gỗ, cà phê, điện thoại và linh kiện, dệt may… Nhờ xuất khẩu tăng mạnh hơn nhập khẩu nên nền kinh tế đã xuất siêu 284 triệu USD, phần nào "gỡ gạc" cho nhu cầu nhập khẩu vốn vẫn có giá trị cao hơn xuất khẩu trong nhiều năm qua.
Một số lĩnh vực khác cũng đạt kết quả đáng ghi nhận: mức thu hút vốn ĐTNN đạt 12,7 tỷ USD, bằng 82% so với kết quả năm 2011 - thể hiện sự suy giảm chút ít nhưng chấp nhận được trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Đáng lưu ý là một số nhà đầu tư lớn, giàu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ vẫn khẳng định sự hấp dẫn về thị trường trong trung và dài hạn, mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 989 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33% GDP; lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, tăng 9,5%…