Viết tiếp bản hùng ca Tây Bắc

Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 24/12/2012

(HNM) - Sáng 23-12, tại thị trấn Mường La, tỉnh Sơn La, đã diễn ra lễ khánh thành công trình Thủy điện Sơn La. Dự và cắt băng khánh thành có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và địa phương.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Thủy điện Sơn La là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành điện Việt Nam, là công trình thủy điện lớn nhất cả nước, mang tầm cỡ khu vực do Việt Nam tự thiết kế, thi công, vượt mốc thời gian so với tiến độ được phê duyệt là 3 năm.

Công trình Thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà

Hành trình về đích

Bảy năm trôi qua, kể từ ngày khởi công xây dựng, Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á có tổng công suất lắp đặt 2.400MW đã đi vào vận hành và chính thức khánh thành. Bảy năm, cũng là hơn 2.500 ngày đêm Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn sát cánh cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân của các nhà thầu Tập đoàn Sông Đà, Licogi, Lilama, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, tư vấn thiết kế… thi công các hạng mục công trình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, 6 tổ máy phát điện đều vượt tiến độ đề ra. Dự án về đích trước 3 năm so với yêu cầu của Quốc hội, đã làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước.

Thành công của dự án là kết tinh của tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo và sức mạnh trí tuệ của người Việt Nam. Thủy điện Sơn La là dự án do người Việt Nam làm chủ tất cả các khâu từ chỉ đạo, thiết kế, thi công, quản lý đến vận hành. Nếu như ở công trình Thủy điện Hòa Bình, lúc cao điểm có gần 900 chuyên gia nước ngoài thì ở Thủy điện Sơn La chỉ có chưa đến 30 chuyên gia nước ngoài.

Nguồn vốn đầu tư dự án do trong nước tự thu xếp; thiết bị cơ khí thủy công, cầu trục gian máy với sức nâng hơn 560 tấn và một số thiết bị công nghệ khác được các doanh nghiệp trong nước chế tạo. Công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành đánh dấu sự trưởng thành vượt  bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ, công nhân thủy điện nói riêng. Kinh nghiệm từ Thủy điện Sơn La đang được tiếp tục phát huy ở công trình Thủy điện Lai Châu và các công trình quan trọng khác.

Sông Đà - con sông lớn nhất miền Bắc được đánh giá giàu tiềm năng kinh tế. Chỉ riêng về mặt năng lượng của dòng chính và các nhánh chủ yếu (chưa tính các thủy điện công suất lắp đặt nhỏ hơn 30MW) thực tế đã và đang khai thác sản lượng điện 27,6 tỷ kWh với 6.778MW công suất đặt, chiếm gần 50% trữ năng kinh tế thủy điện của cả nước. Vì vậy, thủy điện Sơn La cùng với Thủy điện Hòa Bình, Nậm Chiến 2 đang vận hành và khi Thủy điện Lai Châu vận hành năm 2016, sẽ hoàn thành khai thác toàn bộ bậc thang Sông Đà với tổng điện năng là 27,674 tỷ kWh, vượt so với mức năng lượng bậc thang được duyệt là 1,212 tỷ kWh.

- Với công suất lắp đặt 2.400MW, lớn nhất Đông Nam Á, mỗi năm Thủy điện Sơn La cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 10 tỷ kWh, bằng gần 10% tổng sản lượng điện tiêu thụ của năm 2012.

- Việc hoàn thành, đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La sớm hơn 3 năm so với kế hoạch đã làm lợi cho đất nước 45.000 tỷ đồng.

- Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho 12 nghìn hộ dân tái định cư tại nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thay đổi tích cực diện mạo vùng Tây Bắc.
Khi chưa có các hồ chứa Sơn La và Tuyên Quang, hai hồ chứa Hòa Bình và Thác Bà chỉ bảo đảm chống lũ tần suất 300 năm và chỉ khi có hồ chứa Sơn La với dung tích phòng chống lũ hai hồ Hòa Bình và Sơn La là 7 tỷ mét khối thì mới bảo đảm chống lũ tần suất 500 năm xuất hiện một lần tại tuyến Sơn Tây. Nhiệm vụ điều tiết nước, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc bộ vào mùa hạn được coi như cơ bản thực hiện theo quy hoạch bậc thang đã duyệt. Tổng dung tích hữu ích các hồ chứa lớn đã xây dựng đến nay là 13.806.106m3, vượt 2.252m3 (gần 20%) so với dung tích hữu ích các hồ bậc thang đã được duyệt.

Nhờ sự điều tiết nước linh hoạt của hồ Hòa Bình và hồ Sơn La đã tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy với trọng lượng tới 280 tấn từ cảng Hải Phòng đến Sơn La, năng lực vận tải thủy chưa từng có trên sông Đà.

Đường lên Tây Bắc hôm nay

Thuở nhỏ, mỗi lần nghe bài "Đường lên Tây Bắc" qua giọng hát các ca sĩ, những luống cày, nương lúa… lại hiện ra trong tâm trí non trẻ của tôi. Kể từ lần đầu tiên đặt chân đến Tây Bắc là chuyến đi theo anh em khảo sát dự án Thủy điện Sơn La, đến nay tôi đã gắn bó với công trình này từ hơn 10 năm.

Cả 6 tổ máy phát điện đã được vận hành. Ảnh: Ngọc Hà

Đứng giữa đất trời mênh mông, mây trắng bồng bềnh vùng Tây Bắc, với cảm xúc của một người gắn bó với công trình thế kỷ này, trong ngày lễ trọng đại khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La, mọi thứ ở nơi đây như được tỏa sáng, một ánh sáng mộc mạc và bình dị.

Cuối tháng 12, ruộng bậc thang vẫn tươi nét duyên khi lúa đã gặt, vài mái nhà cheo leo trên vách núi, hiện ra bình yên giữa núi rừng. Một bức tranh chỉ cảm nhận bằng trái tim. Những công trình kiến trúc của vùng núi phía Bắc do nông dân bản địa tạc vào sườn đồi hàng trăm năm và hôm nay, những người công nhân thủy điện lại tiếp tục tạo thêm cho Tây Bắc sự kỳ vĩ từ công trình thế kỷ - Thủy điện Sơn La.

Khu tái định cư Phiên Luông đã có trường học, nhà mẫu giáo, trạm y tế, nhà nào cũng có điện và nước sạch… Người dân Phiên Luông đã ổn định cuộc sống và đang chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Từ trên cao, nhìn về những khu tái định cư của công trình Thủy điện Sơn La có thể thấy những vạt nắng sáng một phía sườn đồi.

Khu tái định cư thị xã Mường Lay hiện ra như trong huyền thoại. Ở đây không có những ngôi nhà xây cùng một mẫu như thường thấy ở các bản tái định cư khác. Người ta gọi là "tái định cư theo chiều thẳng đứng" là bởi phải bạt núi, vận chuyển đất đá, nâng độ cao của vùng lên 20-30m so với nền thị xã cũ đã chìm trong lòng hồ. Có thể hiểu đơn giản, thay vì chuyển đến nơi ở khác, người dân ở đây "nhấc" ngôi nhà cũ của mình lên vị trí cao hơn. Ý tưởng của lãnh đạo hợp với lòng dân, nên từ 450 hộ ban đầu, nay số hộ tái định cư ở đây đã là hơn 2.000 hộ. Tôi như hòa mình vào cuộc sống nơi này. Con đường mòn uốn lượn ẩn mình bên dãy núi. Nhìn từ xa, những con người nhỏ xíu, những trang phục, những khăn choàng đầu đa sắc.

Chào nhé Tây Bắc, chào những người công nhân thủy điện làm nên kỳ tích dân tộc, viết tiếp bản hùng ca Tây Bắc mến yêu.

Chiều 23-12, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc thực hiện thành công công tác di dân tái định cư mới chỉ là bước đầu; vấn đề đặt ra là phải phân bổ hợp lý dân cư, quan tâm đến ổn định đời sống của người dân gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng lưu ý, Sơn La cần đặc biệt quan tâm đến việc ổn định đời sống của các hộ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, bảo đảm cho người dân có cuộc sống ổn định, có cơ hội, điều kiện để phát triển, có cuộc sống ít nhất cũng phải như nơi ở cũ. Đề cập đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Sơn La cần tập trung huy động các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh (nhất là lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi cá…) để tiếp tục bứt phá, vươn lên theo hướng phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, đồng bào các thôn bản vùng sâu, vùng xa; quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Thanh Mai