Những ngày bám trụ dưới làn bom B-52

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:06, 24/12/2012

(HNM) - 40 năm đã qua, nhưng trong ký ức GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1969-1983), hình ảnh bệnh viện đổ nát và các đồng nghiệp thân yêu bị vùi sâu dưới hầm trong lòng bệnh viện như mới hôm qua… Ông đã bám trụ tại bệnh viện liên tục 12 ngày đêm.



Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tìm kiếm nạn nhân sau trận bom B-52.

Tháng 4 năm 1972, sau trận máy bay Mỹ oanh tạc dã man Hải Phòng, Hà Nội đã sẵn sàng bước vào trận chiến đấu mới. Bệnh viện Bạch Mai đã sơ tán về xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), chỉ còn để lại ở Hà Nội lực lượng thầy thuốc và phục vụ điều trị khoảng 300 giường bệnh. Lãnh đạo thành phố phân công bệnh viện làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân ở khu vực phía nam, do đó, hệ thống hầm ở trong lòng nhà nối với hành lang bệnh viện được củng cố để dễ dàng cơ động khi có chiến sự. Phòng mổ, phòng xét nghiệm và một số giường bệnh cũng được chuyển xuống dưới hầm để duy trì công việc bình thường khi có báo động.

Năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai bị Mỹ oanh tạc liên tiếp. Đau thương, tổn thất không làm nhụt ý chí của toàn thể cán bộ, y bác sĩ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai. Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận hàng chục bệnh nhân sau khi Mỹ ném bom, đánh phá các điểm đông dân cư như Phương Liệt, tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà máy Đường Vạn Điểm, Nhà máy Dệt 8-3… Anh Phạm Kim Huyên, Bí thư Đảng ủy bệnh viện cùng Ban Giám đốc động viên anh chị em bình tĩnh cứu chữa bệnh nhân. Phòng mổ đặt dưới hầm vẫn hoạt động đều. Dưới ánh đèn thời chiến, những đôi bàn tay dịu dàng và tấm lòng lương y như từ mẫu đã cứu chữa, đem lại sự sống, tiếng cười cho nhiều người.

Từ đêm 18 đến đêm 22-12, Bệnh viện Bạch Mai bị Mỹ dội bom hai lần. Đêm 22-12, dứt tiếng bom, từ nhà ở Kim Liên, tôi vội lao đến bệnh viện. Trong giá rét giữa đông, đặc quánh khói bụi mù mịt, tôi không còn biết rét là gì. Phòng hành chính, khoa Dược, các khoa Tim mạch, Huyết học, Tai mũi họng, Da liễu… tất cả đổ sụp, tan hoang trong đống gạch vụn. Tôi gặp anh Sương phụ trách bếp ăn của bệnh viện. Anh Sương ngơ ngác hỏi:

- Bây giờ làm gì anh?

- Dọn dẹp ngay và bếp phải đỏ lửa. Bắc ngay mấy chảo cháo, mọi người sẽ đến để giúp chúng ta. Anh xem trong kho còn bao nhiêu đường mang lên đây. Nạn nhân phải ăn và chúng ta cũng phải ăn.


Qua tổ điện, tôi dặn anh Quýnh, anh Thọ cho máy nổ chạy và kéo dây điện đến các nơi cần thiết. Đến khoa Dược, tôi lệnh cho anh em thu dọn chai sê-rum không bị vỡ để dùng ngay. Ở tầng hầm khoa Da liễu, nơi tất cả thầy thuốc của khoa trú ẩn đã bị vùi lấp, chèn chặt bởi những tấm bê tông lớn, cùng đội cứu sập, chúng tôi khẩn trương mở lối vào hầm. Khi tôi bò vào hầm, nghe tiếng kêu khóc thảm thiết vọng lên. Miệng hầm nhỏ và thấp, tôi lết như bộ đội bò qua hàng rào dây thép gai. Cố gắng bò đến chỗ chị Ninh, bác sĩ da liễu đang bị kẹt trong hầm, tôi nắm lấy tay chị ấy an ủi: "Chị cứ yên tâm, chúng tôi đang ở bên cạnh chị đây". Đi sâu vào phía trong, một cảnh tang thương hiện ra: thi thể của chị Hoàng Thị Thoa chắn lối vào hầm sâu hun hút bên trong, ở đó nhiều chị em đang kêu cứu. Chúng tôi buộc phải làm cả điều hết sức đau lòng để mở lối ra, cứu sinh mạng anh chị em. Kể sao hết bao cảnh đau xót, nghe thấy tiếng kêu của anh chị em mà không sao vào được, vì những tảng bê tông lớn chặn đường hầm. Chúng tôi ứa nước mắt khi tiếng kêu cứ lịm đi rồi tắt hẳn!

Khoảng 10 giờ sáng ngày 23-12, Đoàn đại biểu thành phố do Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu đã đến thăm hỏi cán bộ công nhân viên bệnh viện. Đoàn đại biểu khu Đống Đa do Bí thư Thúy Hạnh và Phó Chủ tịch UBHC Trần Hạnh dẫn đầu, chi viện cho chúng tôi đội cứu sập. Cùng với đơn vị xây dựng thực nghiệm của Bộ Xây dựng, các anh chị của hai đội cứu sập đã nhanh chóng cẩu và cắt bê tông, giúp chúng tôi.

Chiều muộn, rét căm căm, dù đã thấm mệt, tôi nói với anh em: "Ai ở lại tôi cũng mừng, ai về tôi cũng mừng". Không thể diễn tả hết bằng lời cảm xúc của tôi lúc đó khi nhìn lại quang cảnh bệnh viện tan hoang, anh em còn bao nhiêu người chưa tìm thấy. Ăn cháo cùng bác sĩ Loan, y tá Ngoãn, dược sĩ Xiêm, y sĩ Thọ khoa Ngoại, tôi càng thấm thía sâu sắc tình đồng đội trong chiến tranh, mỗi bác sĩ, dược sĩ, y tá, y sĩ, hộ lý, sinh viên, công nhân đều là chiến sĩ kiên cường. 12 giờ đêm hôm đó, chúng tôi vẫn còn kiên trì tìm những người bị sập hầm. Ở khu C, bom khoan sâu tận chân móng, lấp kín lối xuống tầng hầm. Sau hơn 10 giờ đào bới, tìm được Đinh Thị Thúy, sinh viên Y6. Câu đầu tiên khi em mở mắt là tiếng kêu yếu ớt: "Thầy Đại". Tôi xúc động trào nước mắt, nhưng rồi một tiếng sau, em đã mất vì ở trong hầm quá lâu, người sưng phù, không duy trì được sự sống.

Đêm đầu tiên tôi ở dưới hầm của nhà hành chính, bên chân cầu thang. Tôi nói đùa với anh em: "Nếu có chuyện gì, tìm ông Đại thì cứ tìm ở đây", nhưng lòng trào dâng bao thương xót, không sao ngủ được. Chiều 24-12, đồng chí Tố Hữu đến thăm bệnh viện, chỉ thị cho tôi: "Anh bốc toàn bộ bệnh viện đi, nó còn đánh nữa đấy", nhưng do số lượng bệnh nhân bị trọng thương còn nhiều, nên không thể di chuyển bệnh viện được. Vả lại, trong thâm tâm, anh em hy sinh còn nằm đấy, tôi đi sao đành. Cuối cùng, tôi quyết định bằng mọi giá phải khắc phục khó khăn, ở lại bệnh viện, tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân và tìm kiếm nốt thi thể anh em đã bị vùi lấp dưới gạch vụn. Tôi cùng các anh Nguyễn Bá Kinh, Nguyễn Văn Luân, Trần Quốc Đô ở khoa Ngoại, bò vào hầm, cõng từng người bị nạn hoặc kéo thi thể người tử nạn ra khỏi những tấm bê tông nêm chặt xung quanh. Hàng tạ bê tông có thể đổ ập xuống người chúng tôi bất cứ lúc nào, nhưng mọi người thay nhau làm, có còi báo động thì phải bò ra ngoài, còi báo yên lại bò vào đưa người ra. Suốt ngày đêm quần quật với bê tông xám xịt xung quanh, máy bay địch gầm rít trên đầu.

Đêm 24-12, đêm Giáng sinh trong đau thương, tang tóc, chúng tôi tạm tổ chức lễ truy điệu, khắc ghi sâu mối thù với những tên xâm lược tàn bạo; nhưng phải đến ngày 26-12 chúng tôi mới lấy được hết số người hy sinh và tử nạn là cán bộ công nhân viên bệnh viện. 12 liệt sĩ, 18 cán bộ công nhân viên và sinh viên bị sát hại là tổn thất to lớn đối với chúng tôi. Tôi thật sự xúc động khi nhà báo Nhật Bản quay phim cảnh đổ nát của bệnh viện và nhất là khi tiếp Tiến sĩ y học người Pháp, bà Ivon Cápdơvin vẫn thường xuyên đến bệnh viện làm việc. Đứng trên đống gạch vụn đổ nát của khoa Dược, bà căm phẫn nói: "Tôi là cán bộ chuyên môn nhưng tôi phải làm chính trị, tố cáo tội ác dã man của Mỹ".

Ngày 26-12, Mỹ thảm sát Khâm Thiên. Sáng 27-12, tôi phải quyết định một việc quan trọng nhất trong đời: đội cứu sập hỏi tôi có còn thi thể bị vùi dưới hầm không? Nếu đã lấy hết được số người bị hy sinh và tử nạn thì anh em trong đội mới rút sang Khâm Thiên. Và tôi buộc phải đồng ý để anh em rút đi. Cũng thật may mắn là không còn ai bị sót lại dưới lòng hầm bệnh viện. Chỉ đến khi bệnh viện được xây dựng lại, đào móng, không thấy sót ai, tôi mới thấy kỳ lạ tại sao hôm đó, giữa ngổn ngang bời bời, cái sống cái chết ở bên, mà tôi lại quyết định được như vậy.

Cho đến hôm nay, 40 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in gương mặt các anh chị em đã đồng cam cộng khổ, cứu chữa bệnh nhân dưới làn bom rải thảm của máy bay B-52 Mỹ như các anh Phạm Kim Huyên, Nguyễn Bá Kinh, Nguyễn Luân, Trần Quốc Đô, Nguyễn Quốc Ánh, Nguyễn Nguyên Khôi, chị Hà Thị Trúc… Chỉ sau 5 ngày, chúng tôi đã đưa gần 300 bệnh nhân nặng và tài sản không bị hư hỏng về khu sơ tán ở Liên Bạt (Ứng Hòa) an toàn. Và ngay từ đêm 26-12, bệnh viện đã nhận cấp cứu hàng trăm bệnh nhân của Khâm Thiên. Lửa bếp luôn hồng phục vụ dinh dưỡng cho cán bộ công nhân viên và bệnh nhân. Huyết thanh phải pha chế, thuốc men phải bảo quản an toàn và có đủ để cấp cứu kịp thời. Những đôi bàn tay thần kỳ cứu bao người hồi sinh trở về cuộc sống, chính bởi tấm lòng cao cả và ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ áo trắng. 12 ngày đêm bám trụ ở bệnh viện, chúng tôi đã sống, làm việc, chiến đấu như những người lính trên chiến trường.

Chúng tôi đã từng dẫn những phi công Mỹ để họ thấy tận mắt tội ác man rợ đã gây ra; nhưng lại rộng mở vòng tay đón những người bạn Mỹ yêu hòa bình trong tình nhân loại. Trang sử hào hùng và bài ca chiến thắng vì con người trong những ngày chiến đấu chống Mỹ, chúng ta và con cháu ta, mãi mãi không bao giờ quên.

GS. Đỗ Doãn Đại kể

Phạm Kim Thanh