“Đường đua trong bóng tối”: Hiện tượng của sân khấu chính kịch

Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 24/12/2012

(HNM) - Vở chính kịch phản ánh hiện tượng tiêu cực nơi chính trường



Lâu nay, trong hoạt động nghề nghiệp đội ngũ nghệ sĩ sân khấu vẫn chưa tháo gỡ được áp lực tâm lý về những cái gọi là "vùng cấm" khi sáng tạo tác phẩm. Mặc dù, như NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: "Trong suốt thời gian công tác, tôi thấy chưa có vở diễn nào bị cấm vì tư tưởng mạnh dạn phản ánh cái xấu". Khi vở diễn "Đường đua trong bóng tối" được ra mắt, ngay người trực tiếp tham gia êkíp sáng tạo cũng thấy khá bất ngờ. Khán giả rủ nhau tới rạp tương đối đông. Một hiện tượng hy hữu bấy lâu nay của sân khấu, nhất là với một vở diễn mang đậm chất chính luận.

Vở diễn phản ánh một hiện thực nhức nhối của đời sống xã hội vẫn tồn tại, âm thầm trong bóng tối… thấm đậm trong những lời thoại khá sắc sảo, châm biếm ngay từ màn mở đầu như đối thoại giữa hai cha con Trần Bình - Trần Tố, khẳng định những cuộc chạy chức, chạy quyền đã trở thành hiện tượng bình thường. Những câu nói vẫn thấy trong đời sống thường nhật như "Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba..." và cuối cùng mới là trí tuệ đã được thể hiện trực diện lên sàn diễn.

Chuyển tải chủ đề tư tưởng như sự cảnh báo về nạn chạy chức, chạy quyền là một cốt truyện kịch khá chặt chẽ: con trai của một lão thành cách mạng, là một doanh nghiệp hàng đầu, lợi dụng vị thế của cha để mua quan, bán chức, đầu tư cho những cá nhân có tiềm năng theo cách đánh giá của mình. Qua đó, anh ta thâu tóm quyền lực, thỏa mãn dục vọng tiền bạc và nhu cầu tình dục thấp hèn của mình khi ép những kẻ trong đường dây chạy chức phải cung phụng tất cả. Điểm nhấn của vở kịch là một cục trưởng vì ham hố cái chức thứ trưởng đã phải dâng cả người vợ trẻ cho Trần Tố. Kết kịch, những toan tính của hệ thống chạy chức, chạy quyền rất mạnh và chưa từng sai lệch trong đường đi nước bước này đã thất bại thảm hại. Chứng kiến hành vi của con trai mình, chính vị cán bộ lão thành cách mạng đã thu thập chứng cứ, tố cáo hành vi của anh ta.

Cốt truyện chặt chẽ, số phận nhân vật được mô tả rõ nét trong vòng quay của đường dây chạy chọt… đặc biệt nổi rõ là sự sắc sảo của đạo diễn NSND Lê Hùng. Với bàn tay của "người phù thủy" trong nghề diễn, cùng sự cân đong đo đếm kỹ lưỡng hiệu ứng tác động tới công chúng, NSND Lê Hùng đã đưa tới một vở diễn giàu tính chính luận và đậm chất nghệ thuật. Nhiều cách xử lý của ông đã được người xem ghi nhận như cảnh tiếp khách của nhân vật chính Trần Tố: gợi ý về tiền và về… chính vợ của người cầu danh không cần qua lời nói mà chỉ cần bàn tay khua lên không trung.

Bi kịch cho nhân vật nữ, người bị chồng ép phải tiếp cận Trần Tố để có thể tiến tới cái ghế thứ trưởng đã được đạo diễn xử lý rất đẹp mắt trên sân khấu. Dải lụa dài, kéo suốt từ trên cao xuống, che giấu thân hình gợi cảm của cô đồng thời giúp cho việc thể hiện cảnh sex ẩn hiện qua động tác của đôi nam nữ. Những giằng xé nội tâm của nhân vật nữ, cảnh níu kéo, ham hố của nhân vật nam vặn xoắn qua dải lụa dài…

Tâm đắc với những ý tưởng của tác giả Đăng Chương, NSND Lê Hùng cho biết: "Chính khát vọng làm cho cuộc đời này ngày một tốt đẹp hơn đã thôi thúc êkíp chúng tôi. Mọi người đều đang lo lắng về những vấn nạn của cuộc sống, những chuẩn mực của văn hóa đều đang xuống cấp… Vở diễn đề cập tới việc chạy chức, chạy quyền mà ai cũng nghe ở mọi nơi nhưng ít công khai. Làm vở để sao cho, người xem thấy trúng mà vẫn không mất lòng, rất khó". "Đường đua trong bóng tối" tiếp tục công diễn vào 26, 27-12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Cao Ngọc