Làng cổ Xuân Lai chìm vào hoài niệm
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 23/12/2012
Một trong những ngôi nhà cổ còn sót lại ở thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn). |
Xuân Lai - một làng cổ có hàng nghìn năm tuổi, vùng đất ghi dấu chân của một trong "tứ bất tử" của Việt Nam - Thánh Gióng. Sau khi truy đuổi giặc, Thánh Gióng dừng chân tại làng, nhân dân hân hoan đem chiếu ra trải mời ngồi. Xa xưa, làng có tên nôm là "Kẻ Trải", sau dân gian đọc chệch thành Sải (hiện vùng này vẫn còn chợ Sải). Tên làng Kẻ Sải gắn bó với vùng đất này từ thời Lê, trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử, làng ngày một trù phú, cư dân ngày càng đông đúc và có nhiều ngôi nhà cổ được lưu giữ...
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thu Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: Xã Xuân Thu có 3 thôn Thu Thủy, Xuân Lai, Yên Phú với 2.185 hộ dân, thôn Xuân Lai đông dân nhất. Làng cổ Xuân Lai trước đây có nghề nấu rượu, trồng lúa và chăn nuôi. Cả thôn có 1.300 hộ nấu rượu nay chỉ còn 200 hộ. Tưởng rằng mất nghề rượu nông dân sẽ nghèo đói vì sống với cây lúa không đủ ăn nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây người dân trong thôn đã mang nghề sản xuất đồ gỗ về, đời sống người dân cũng dần thay đổi. Hiện nay, cả xã có 300 hộ sản xuất đồ gỗ, trong đó thôn Xuân Lai chiếm 2/3. Thế nhưng, đi kèm với sự phát triển kinh tế, dấu ấn xưa của làng, mà rõ nhất là những ngôi nhà cổ ở đây dần mất đi theo năm tháng. Cả xã trước đây còn hàng trăm ngôi nhà cổ, nay chỉ còn 5 - 6 căn. "Chắc không lâu nữa, những ngôi nhà cổ còn lại này sẽ bị xóa sổ để dựng xây những ngôi nhà mới..." - Ông Tuấn khẳng định.
Cụ Nguyễn Thị Xếp đã quá nửa đời gắn bó với ngôi nhà cổ ở Xuân Lai nói với chúng tôi, trên mảnh đất trước đây của gia đình là nhà cổ 5 gian. Ngôi nhà này là to đẹp nhất làng, lòng nhà rộng 7 mét, nhà có 36 cột, mỗi hàng 5 cột toàn là gỗ lim, gỗ mít. Khi con cháu phá dỡ ngôi nhà cổ để xây biệt thự, tôi tiếc lắm nhưng không cản nổi... Không chỉ gia đình cụ Xếp, Xuân Lai đất chật người đông nên các gia đình có nhà cổ đều phá bỏ để xây nhà mới hoặc chia đất cho con cháu. Anh Hoàng Văn Mão, cán bộ văn hóa xã dẫn chúng tôi tới thăm một trong những ngôi nhà cổ 5 gian còn sót lại của gia đình ông Nguyễn Văn Thông. Ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 100 năm, hiện có 3 thế hệ chung sống, kiến trúc cũ đã mai một chỉ còn lại cái cổng giữ được khá nguyên vẹn với nhiều loại hoa văn.
Nhiều ngôi nhà cổ ở Xuân Lai đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Đạo ọp ẹp lắm rồi nhưng để sửa chữa theo kiểu cổ rất khó và tốn kém, riêng công thợ ước tính mất tới vài trăm triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với xây dựng một ngôi nhà hiện đại. Thời gian tới, gia đình sẽ phá bỏ để xây mới vì hai con trai ông đã đến tuổi ra ở riêng...
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm, mặc dù mang tiếng là làng cổ nhưng từ trước đến nay chưa có tổ chức nào về nghiên cứu và bảo tồn những di tích cổ ở vùng đất giàu truyền thống này. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các gia đình gìn giữ và cải tạo nhà cổ nhưng không thuyết phục được người dân bởi đã lâu thôn Xuân Lai chưa được cấp đất giãn dân nên các gia đình có nhu cầu xây nhà mới là phá bỏ nhà cũ.
Rời Xuân Lai day dứt mãi trong chúng tôi một câu hỏi: Liệu làng cổ Xuân Lai có như Cự Đà (Thanh Oai), Phú Hữu (Ba Vì)... dần mai một trong vòng xoáy đô thị hóa?