Bóng đá Việt Nam: Đâu là giá trị thật?
Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 23/12/2012
Nhiều cầu thủ đang phải đối diện nguy cơ thất nghiệp trong mùa giải 2013. Ảnh: Minh Hoàng |
Nhà nhà giải thể
Cách đây gần hai tháng, Phó Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Hùng Dũng đã cảnh báo: "Sẽ còn nhiều CLB giải thể trong thời gian tới". Cảnh báo của ông Dũng đã trở thành hiện thực khi vào ngày cuối đăng ký tham dự Giải bóng đá chuyên nghiệp (V.League) và giải hạng nhất năm 2013, chỉ có 8 đội dự giải hạng nhất, 12 đội dự V.League. Ở V.League, Navibank Sài Gòn giải tán sau khi được chuyển giao cho Công ty Xuân Thủy. CLB bóng đá Hà Nội sau những biến động ở thượng tầng (Chủ tịch CLB bị bắt giam vì những vấn đề ngoài lĩnh vực bóng đá) cũng không thể dự giải vì không lo nổi kinh phí. Dù BTC V.League đã cố gắng tạo điều kiện cho CLB bóng đá Hà Nội bằng cách giãn thời gian đăng ký nhưng cuối cùng, CLB Hà Nội vẫn đành phải tuyên bố rút lui khỏi V.League 2013. Trong khi đó, CLB K.Khánh Hòa cũng tuyên bố rời cuộc chơi và nhường suất tham dự V.League 2013 cho CLB V.Hải Phòng. Sau hàng chục năm có mặt trên bản đồ bóng đá đỉnh cao, K.Khánh Hòa đã rút lui lặng lẽ là cả nỗi đau với người hâm mộ Khánh Hòa. Nhưng khi chủ trương không đầu tư đa ngành với các đơn vị quốc doanh được ban ra, nhà tài trợ Khatoco không thể tài trợ cho bóng đá. Đương nhiên, CLB K.Khánh Hòa mất tên trên bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam.
Còn ở giải hạng nhất, số CLB bỏ cuộc chơi nhiều hơn hẳn. Tất cả cũng vì thiếu kinh phí hoặc do nhà tài trợ không thể tham gia vì không được đầu tư đa ngành. Trong nhóm thiếu kinh phí dự giải có Bà Rịa - Vũng Tàu, Trẻ K.Khánh Hòa, Trẻ SHB Đà Nẵng, Trẻ bóng đá Hà Nội. Còn Xổ số kiến thiết Lâm Đồng cũng ngậm ngùi rời hạng nhất do nhà tài trợ Xổ số kiến thiết tỉnh phải rút lại các lĩnh vực đầu tư. Ngoài ra, đội V.Hải Phòng ở hạng nhất cũng rút lui vì Công ty Vicem.Hải Phòng chỉ có thể kham nổi một đội chuyên nghiệp (lấy lại suất của K.Khánh Hòa).
Tất cả cũng bắt nguồn từ khó khăn chung của nền kinh tế. Mà bóng đá Việt Nam vẫn chưa tự đứng trên đôi chân của mình, phải dựa vào các doanh nghiệp. Thế nên, khi nền kinh tế suy thoái thì bóng đá cũng bị ảnh hưởng.
Người người nháo nhào tìm việc
Hàng loạt đội bóng giải thể đã đẩy hàng trăm cầu thủ vào cảnh thất nghiệp. Giờ đây, khi có một chỗ đứng ở một CLB đã là điều quý hiếm thay vì có thể "kén cá chọn canh" như trước thì những giá trị thật đã trở lại với giới cầu thủ. Nhiều nhân viên công ty đã không còn ý định chuyển công ty vì giữ được vị trí làm việc không đơn giản. Còn giới cầu thủ, được một CLB dung nạp đã tốt lắm rồi.
Nhưng đến lúc này "cung" đã quá "cầu". Số CLB có hạn trong khi nhu cầu tìm việc từ các CLB thuộc những đội bị giải tán lại lớn. Vì vậy, mới có chuyện nhiều cầu thủ lâm phải cảnh thất nghiệp, nháo nhào tìm việc.
Không còn những mức lót tay trên trời vì các CLB đều chủ trương cắt giảm chi tiêu. Giá trị thật của các cầu thủ đã trở lại đúng vị trí. Nếu như trước đây họ có thể chủ động làm giá thì bây giờ, chính họ phải chấp nhận chuyện "lót tay" ít hơn. Nếu không, nguy cơ thất nghiệp sẽ treo lơ lửng trên đầu họ. Thực tế, nhiều cầu thủ đã phải giải nghệ để chuyển hướng sang các ngành nghề khác.
Có thể đó là sự khắc nghiệt của cuộc sống. Nhưng rõ ràng, sự khủng hoảng cũng mang lại những điều tích cực. Những ông bầu "ăn xổi" sẽ chật vật tồn tại trong khi giá trị của cầu thủ trở lại mức bình thường và không còn là ông chủ của các "ông chủ". Trước đây, lúc bóng đá Việt Nam còn trong giai đoạn "bong bóng", nhiều ông chủ đã mơ đến cảnh cầu thủ phải nhận biết được giá trị thực của mình. Còn bây giờ, khi cầu thủ không còn là "Thượng đế", đấy cũng là điều để bóng đá Việt Nam hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn.