Lại tại… không chuyên
Văn hóa - Ngày đăng : 06:26, 23/12/2012
Thực tế, Việt Nam đã từng tham dự các hoạt động của Hội chợ sách quốc tế từ quãng năm 1990, tuy nhiên rất manh mún. Đến đầu những năm 2000, bắt đầu có đầu tư của Nhà nước song lại cũng chưa mấy ăn thua. Ta chủ yếu tham gia với tư cách trưng bày, góp mặt ở các hội chợ sách quốc tế như Frankfurt, Mátxcơva, Bắc Kinh, Cuba... và chưa tạo được diện mạo rõ nét cũng như thực sự bước chân vào phần "chợ" sôi nổi của các nước. Sách sau khi trưng bày được đem tặng cho bà con Việt kiều hoặc các thư viện. Thậm chí ngành xuất bản cũng thẳng thắn chỉ ra hoạt động này nhiều khi chỉ là giải quyết chế độ đi nước ngoài cho cán bộ, còn bản thân cán bộ đi hội chợ không biết… ngoại ngữ. Một hạn chế nữa là sách Việt ra ngoài… "ngơ ngác" như người không có hộ chiếu. Trong khi bất cứ cuốn sách nào xuất hiện ở hội chợ đều phải có mã số sách chuẩn quốc tế ISBN - một tiêu chí của xuất bản chuyên nghiệp, thì sách ta lại không có. Giới xuất bản thế giới nhìn vào đố "đọc" được những thông số cơ bản như tác giả, tên tác phẩm, NXB, năm xuất bản, sách dịch hay sáng tác… Hiện ở nước ta đã có 50 trên tổng số 64 NXB đăng ký đầu mã số ISBN, song thực tế lại chỉ có 1-2% sách được in ra có mã số này.
Sách đã không chuyên như vậy, khâu tổ chức cũng lại không chuyên. Mới đây, trong một hội chợ sách quốc tế mà có tới ba gian hàng cắm cờ Việt Nam. Trong số ấy có một gian hàng của ngành xuất bản, còn lại là của hai đơn vị tư nhân trong nước. Độc giả cứ gọi là hoa mắt, không biết rẽ lối nào.
Ngành xuất bản Việt Nam hiện là thành viên của Hiệp hội Xuất bản ASEAN, Hiệp hội Xuất bản Châu Á Thái Bình Dương, tổ chức mã số sách chuẩn quốc tế ISBN… nhưng sách Việt trên bản đồ các hội chợ sách quốc tế thì lại hầu như vẫn rất mờ nhạt. Thiết nghĩ, ta đang bỏ trống một hình thức quảng bá văn hóa, đất nước, con người cũng như phát triển xuất bản đầy tiềm năng, mà thế giới từ lâu đã tận dụng.