Chính sách ưu đãi của Nhà nước phải đến được với người dân

Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 23/12/2012

(HNM) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc đưa đồng vốn ưu đãi đến với các đối tượng chính sách, trong 10 năm qua kể từ khi thành lập (năm 2003), Chi nhánh Ngân hàng (NH) Chính sách xã hội (CSXH) thành phố Hà Nội đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội - ông Bùi Quang Vinh, về những vấn đề liên quan.

Công cụ để triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi

- Năm 2012 là một năm đầy sóng gió đối với hệ thống NH của Việt Nam. Trong khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực và thế giới vẫn đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động của hệ thống NH thì nội tại ngành này của Việt Nam cũng bộc lộ một số hạn chế và yếu kém. Như đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, hệ thống NH của Việt Nam dễ tổn thương trước các cú sốc. Nhưng trong bối cảnh đó, Chi nhánh NHCSXH lại có những bước phát triển ổn định?

Ông Bùi Quang Vinh. Ảnh: Duy Quang


- Hiện nay chúng tôi đang quản lý 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ là 3.850 tỷ đồng. Thời gian qua NHCSXH đã giúp cho trên 1 triệu lượt hộ vay vốn với tổng doanh số cho vay là 9.300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của NHCSXH đạt 28,5%. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao; giảm tỷ lệ nợ xấu từ 3,4% (khi mới thành lập) xuống còn 0,5% tính trên tổng dư nợ.

- Chúng tôi cũng được biết, những đối tượng được vay vốn của NHCSXH rất đặc biệt không như khách hàng của các ngân hàng khác.

- Khách hàng của chúng tôi là các đối tượng chính sách xã hội theo quy định của Chính phủ. Đó là các hộ gia đình nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay vốn để giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập… Lãi suất, mức cho vay đối với từng loại đối tượng thuộc các chương trình tín dụng ưu đãi cũng do Chính phủ quy định.

- NHCSXH chính là công cụ của Nhà nước để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người nghèo, vùng nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội...

- Tôi lấy ví dụ như Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/QĐ-TTg năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, nhiều học sinh, sinh viên là con em các gia đình hộ nghèo có tiền để trang trải chi phí học tập, bảo đảm không có trường hợp nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Hiện nhiều gia đình thuần nông, việc nuôi từ một đến hai con ăn học với số tiền chu cấp hàng tháng trung bình khoảng 2 triệu đồng mỗi người là rất khó khăn. Năm năm qua, NHCSXH đã giúp cho trên 120.000 học sinh, sinh viên được vay vốn với số tiền được điều chỉnh từ 800.000 đồng lên 1 triệu đồng/người/tháng, mức lãi suất chỉ khoảng 0,5 tới 0,65%, tương đương với mức lãi suất cho các hộ nghèo vay vốn...

Hạn chế tỷ lệ nợ xấu

- Thưa ông, hiện nay một số ngân hàng lo lắng vì tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Như đã nêu, khách hàng của NHCSXH đều là những đối tượng eo hẹp về kinh tế, song có thể nói tỷ lệ nợ xấu lại rất thấp, chỉ khoảng 0,5% tính trên tổng dư nợ. Vậy có mâu thuẫn?

- Đây là số liệu hoàn toàn chuẩn xác. Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày tại kỳ họp Quốc hội vừa qua thì hiện tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng xấp xỉ 9%, nhưng với hệ thống NHCSXH của toàn quốc con số này chỉ khoảng 1,5 tới 1,7%, còn riêng Hà Nội tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 0,5% tính trên tổng dư nợ. Trong đó có một số khoản chúng tôi nhận bàn giao. Ví dụ trước đây việc cho người nghèo, hộ gia đình nghèo vay vốn thuộc Ngân hàng NN&PTNT đảm nhận; cho vay vốn để giải quyết việc làm do Kho bạc Nhà nước đảm nhận; cho học sinh, sinh viên vay vốn do Ngân hàng Công thương đảm nhận… Những khoản nợ xấu mà chúng tôi nhận bàn giao chiếm hơn một phần ba tới một nửa của con số 0,5%, tức là thực tế tỷ lệ nợ xấu của chúng tôi chỉ khoảng 0,3%...

- Theo ông, tỷ lệ nợ xấu thấp là do cách thức quản lý của NHCSXH chặt chẽ hay do ý thức của đối tượng vay vốn, nghiêm túc hoàn trả tiền vay đúng kỳ hạn?

- Rất nhiều người lo rằng đối tượng vay vốn của chúng tôi là những trường hợp có khó khăn về tài chính (hộ gia đình nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, người chưa có việc làm ổn định…) nên dễ dẫn đến mức độ rủi ro lớn, tỷ lệ nợ xấu cao. Nhưng trên thực tế nhìn chung ý thức của khách hàng NHCSXH là rất tốt, bà con đều hiểu rằng cũng còn có nhiều người như mình cần tiếp cận đồng vốn để vượt khó…

- Vậy còn cách thức quản lý của NHCSXH? Đã từng xảy ra chuyện ở một số lĩnh vực, khi không thực hiện được đúng đối tượng thì cũng khó lòng đạt được mục tiêu như mong muốn. Ví dụ như việc người giàu lại mua được nhà dành cho người có thu nhập thấp chẳng hạn. Liệu có những trường hợp NHCSXH cho vay vốn… nhầm đối tượng?

- Vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm là tiền vay phải được sử dụng đúng mục đích để từng chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ có thể phát huy được hiệu quả trong đời sống xã hội. Muốn vậy, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát phải rất chặt chẽ. Chỉ với 300 cán bộ, chúng tôi phải có những cách thức riêng chứ không thể “ngồi một chỗ” và đặc biệt phải có “cánh tay nối dài” để sâu sát tới tận cơ sở (577 xã, phường của Hà Nội).

- Cụ thể “cánh tay nối dài” của NHCSXH là gì?

- Đó là các tổ chức hội, đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc… và gần 9.000 Tổ “Tiết kiệm và Vay vốn” ở từng địa bàn khu dân cư, thôn, xóm. Trong quy trình vay vốn của chúng tôi có 9 công đoạn thì chúng tôi ủy thác tới 6 công đoạn, 87% tổng số dư nợ được chúng tôi ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể…

- Việc ủy thác của NHCSXH cho các tổ chức hội, đoàn thể trong các cung đoạn vay vốn và quản lý số dư nợ như thế nào?

- Họ giúp chúng tôi lựa chọn đối tượng phù hợp cho từng chương trình tín dụng ưu đãi, sau đó rà soát, hướng dẫn các thủ tục rồi trình chính quyền địa phương phê duyệt, tiếp đó là kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc việc trả nợ… Chúng tôi chỉ thực hiện các phần việc như thẩm định, làm thủ tục giải ngân… Có như vậy thì đồng vốn mới đến đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích vì tất cả quy trình đều được thực hiện, bình xét ngay từ cơ sở; có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức hội, đoàn thể, thành viên của các Tổ “Tiết kiệm và Vay vốn” ở ngay khu dân cư, thôn, xóm và người dân. Nói chung tất cả đều nhằm hướng tới sự công khai, minh bạch và công bằng.

Chuyện “con cá” và “chiếc cần câu”

- Nhiều người cho rằng, việc cho vay vốn, hỗ trợ bằng mức lãi suất ưu đãi mới chỉ như mang “con cá” tới các hộ nghèo, các gia đình thuộc diện đối tượng chính sách có khó khăn về tài chính. Muốn xóa đói giảm nghèo bền vững thì phải tạo cho họ “chiếc cần câu” và hướng dẫn họ cách “câu cá”.

- Điều đó rất chính xác!

- Ông vừa đề cập tới việc sử dụng vốn vay đúng mục đích nhưng làm thế nào để đồng tiền người ta vay được mang lại hiệu quả?

- Các cụ xưa đã dạy “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” nên chúng tôi cũng đã tính toán rất kỹ lưỡng tới vấn đề này và chủ yếu vẫn phải dựa vào “cánh tay nối dài”, đó là hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể. Có như vậy mới có thể lồng ghép được việc vay vốn với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… Trên thực tế, không những thiếu vốn, thiếu lao động, hầu hết các hộ nghèo thiếu kinh nghiệm, cách thức tổ chức trong sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả đồng vốn vay, nhiều tổ chức hội, đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn đã có cách làm năng động trong việc phân công cán bộ, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn, đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin thị trường để hội viên có thể vận dụng trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, cán bộ tín dụng ngân hàng còn cần phải sâu sát theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, giúp các Tổ “Tiết kiệm và Vay vốn” hoạt động tốt ngay tại cơ sở…

- Có ý kiến cho rằng công tác xóa đói, giảm nghèo giống như chữa bệnh, nếu dùng kháng sinh không đủ liều thì sẽ dễ gây ra nhờn thuốc. Cụ thể trong việc vay vốn hiện nay của NHCSXH cũng còn nhiều bất cập. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Như tôi đã nêu, đối tượng cho vay, mức vay, lãi suất vay… của NHCSXH đề ra do Chính phủ quy định. Trên cơ sở thực tế, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị một số vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Thí dụ như việc nên mở rộng thêm đối tượng cho vay, không chỉ các gia đình nghèo, cận nghèo, mà đối với những hộ gia đình thuần nông cũng có thể tiếp cận nguồn vốn, có như thế việc giảm nghèo mới có cơ sở bền vững vì ranh giới giữa các nhóm đối tượng này nhiều khi khó phân định. Hoặc như việc nên hỗ trợ học sinh, sinh viên cả trong quá trình học tập và khi ra trường lập nghiệp, đồng thời cần có chính sách với số đối tượng không đỗ đại học, chuyển sang học nghề. Rồi mức vay tín dụng ở Chương trình ưu đãi giải quyết việc làm và Chương trình xây dựng - cải tạo công trình nước sạch - vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn cũng chưa phù hợp…

Không thể… “ngồi một chỗ”

- Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được quyết liệt thực hiện để nâng cao “sức khỏe” nội tại cũng như khả năng cạnh tranh. Nhận thức của NHCSXH về vấn đề này?

- Chúng tôi cũng nằm trong tổng thể hoạt động của hệ thống ngân hàng và thời gian qua NHCSXH cũng đã có nhiều đổi mới trong công tác nghiệp vụ và hoạt động. Hiện nay chúng tôi không “ngồi một chỗ” mà với 577 xã, phường trên địa bàn Hà Nội, NHCSXH đã thành lập khoảng 560 điểm giao dịch ngay tại cơ sở, điều đó vừa giúp cho việc tuyên truyền tới người dân các chính sách, chương trình ưu đãi của Chính phủ đối với vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời giúp cho việc giao dịch với khách hàng được thuận tiện. Cùng với đó là việc cải tiến hồ sơ, thủ tục vay vốn nhằm phục vụ thuận lợi, nhanh chóng, chính xác cho các đối tượng được thụ hưởng. Tiếp tục phát huy hiệu quả của phương thức cho vay ủy thác thông qua việc thiết lập, tập huấn nghiệp vụ cho các Tổ “Tiết kiệm và Vay vốn” ở thôn, xóm, khu dân cư có sự quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị, xã hội. Thực hiện chính sách tín dụng bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của người dân trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách; hạn chế tối đa những tiêu cực, gây thất thoát vốn của Nhà nước...

- Hoạt động của NHCSXH hiện nay có gặp nhiều khó khăn?

- Trong điều kiện hiện tại, hoạt động của cơ quan, đơn vị nào cũng gặp phải những vướng mắc nhất định, vì vậy chúng tôi phải cố gắng thu xếp làm sao cho ổn thỏa. Ngay như trụ sở làm việc, năm trước thành phố mới bố trí được nơi “an cư” cho chúng tôi, đỡ phải chuyển đi chuyển lại, mỗi lần dọn nhà khổ lắm, chỉ lo ngay ngáy thất lạc hồ sơ, tài liệu... Chúng tôi chưa có xe chuyên dụng chở tiền. Đã kiến nghị nhưng chưa có nguồn kinh phí. Do đó muốn mở rộng hoạt động nghiệp vụ ngay tại cơ sở các phường, xã cũng rất khó khăn...

- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi.

10 năm qua, hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể, đã giúp cho trên 14.000 hộ dân thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động; giúp trên 120.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 7.000 ngôi nhà cho các gia đình nghèo; tạo điều kiện về vốn cho trên 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động hiệu quả; xây dựng và cải tạo trên 120.000 công trình nước sạch - vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn…

Hoàng Thu Vân