Thông tư 30/2012/TT-BYT: Nhiều quy định khó kiểm soát
Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 22/12/2012
Người kinh doanh phải thực hiện nghiêm quy định các điều kiện an toàn thực phẩm. Ảnh: Khánh Nguyên |
Ông Vũ Ngọc Khải, phố Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân): Khó thực hiện nghiêm
Tôi cho rằng, trong phần điều kiện bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố có rất nhiều quy định mới chỉ phù hợp về mặt lý thuyết. Điều 7 ghi: “Bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng bảo đảm sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh; giá, tủ để bày thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm; người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ, khi tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn phải dùng găng tay sử dụng một lần; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm… phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…”. Điều này tôi thấy còn xa vời với thực tiễn. Nếu so với những điều kiện nói trên, sẽ có rất nhiều vi phạm diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi nhưng không hề bị xử lý.
Điều 3 quy định: "Số lượng suất ăn của cơ sở chế biến suất ăn sẵn trong thực tế phải phù hợp với công năng thiết kế dây chuyền chế biến suất ăn sẵn" và "thời gian bảo quản, vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ngay từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh hay đông lạnh); thời gian từ khi vận chuyển suất ăn sẵn đến khi ăn trong trường hợp không có trang thiết bị bảo quản chuyên dụng (ủ nóng, tủ đông lạnh) không quá 2 giờ. Nếu quá thời gian trên phải có biện pháp gia nhiệt, thanh trùng bảo đảm ATTP trước khi sử dụng để ăn uống"… Vậy, quy định nào làm thước đo để biết rằng suất ăn sẵn phù hợp với công năng thiết kế của dây chuyền? Ai theo dõi để biết mốc thời hạn "không quá 4 giờ" và không quá "2 giờ"?
Bà Nguyễn Thị Hồng, phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng): Các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc
Thông tư trên gồm các quy định dành cho hai loại hình kinh doanh là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn, đồ uống để ăn ngay, có địa điểm cố định) và kinh doanh thức ăn đường phố (kinh doanh thực phẩm, thức ăn ngay, đồ uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng). Quy định đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khá chặt chẽ và hợp lý nhưng tổ chức thực hiện ra sao để mọi cơ sở đều thực hiện nghiêm và công bằng như nhau mới là điều quan trọng. Thực tiễn hiện nay cho thấy nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ không được kiểm tra thường xuyên nên chất lượng ATTP vẫn bị thả nổi. Do vậy, quy định đã có, phần còn lại phụ thuộc vào việc làm của những con người cụ thể được giao nhiệm vụ thực thi thế nào mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Quân, phường Mộ Lao (quận Hà Đông): Cần có hướng dẫn cụ thể
Điều 8 có nội dung: “Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn và cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; phải được khám sức khỏe và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định; người đang mắc bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố”… Những quy định này chắc chắn không được thực hiện đầy đủ. Nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố không bán hàng ở một điểm cố định và chính họ cũng không biết sức khỏe của họ thế nào, liệu có mang bệnh gì không? Vả lại, người kinh doanh thức ăn đường phố phải tự đi khám sức khỏe hay do các cơ quan chức năng thực hiện? Trách nhiệm thuộc về ai?