Trang mới trong quan hệ cũ

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 22/12/2012

(HNM) - Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặt hái không ít thành công trong chuyến thăm ngắn ngày vừa kết thúc trong tuần tới Algeria. Chuyến công du được dư luận Lục địa đen nhìn nhận là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai nước.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ấm dần lên; đúng dịp Algeria kỷ niệm 50 năm ngày giành độc lập, hơn nữa đa số người dân Algeria ủng hộ mối quan hệ đặc biệt với Pháp, do đó, chuyến thăm được cả hai bên cho rằng sẽ đánh dấu "một giai đoạn mới" trong quan hệ song phương.

Tổng thống Francois Hollande đã gặt hái nhiều thành công trong chuyến thăm Algeria.


Trước thềm chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo của Pháp và Algeria đều muốn sự kiện này sẽ đặt nền móng mới cho tương lai hai nước. Và những gì diễn ra đã thể hiện điều đó. Vượt lên "vết thương" quá khứ, nhìn thẳng vào thực tế, Tổng thống F.Hollande khiến người dân Algeria tin vào thiện chí và sự hòa giải của nước Pháp. Theo đó, phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Algeria, ngày 20-12, tại Cung các dân tộc ở Algers, Tổng thống F.Hollande lần đầu tiên thừa nhận các vụ tàn sát do quân đội Pháp tiến hành ở các thành phố Sétif, Guelma và Kherrata trong thời kỳ thực dân. Người đứng đầu nước Pháp bày tỏ sự cảm thông với nỗi thống khổ mà nhân dân quốc gia Châu Phi phải gánh chịu trong 132 năm và cho rằng tình hữu nghị giữa hai nước chỉ có thể tồn tại "trên cơ sở sự thật".

Trước đó, hai bên đã đạt những kết quả thực chất trong hợp tác kinh tế.

Cụ thể là Tổng thống F.Hollande và Tổng thống nước chủ nhà Abdelaziz Bouteflika đã ký Tuyên bố Algers hữu nghị và hợp tác, tạo đà phát triển mới cho quan hệ hai nước trên các lĩnh vực kinh tế và liên quan đến con người như đi lại, cộng đồng người Algeria ở Pháp, giáo dục và tham vấn chính trị... Một Ủy ban liên chính phủ cấp cao do hai thủ tướng đứng đầu cũng được thiết lập và sẽ họp phiên đầu tiên trong năm 2013; hợp tác văn hóa và giáo dục với một văn kiện khung cho 5 năm tới; và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, bảy thỏa thuận hợp tác khác giữa hai nước (giai đoạn 2013-2017 cùng các thỏa thuận về nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, tài chính, chế tạo xe hơi Renault, bảo hộ và cứu trợ dân sự) cũng đã được ký...

Mặc dù, còn một số khác biệt trong giải quyết các vấn đề quốc tế, như cuộc khủng hoảng hiện nay tại Mali, Syria hay trước đó tại Lybia… thì những bước tiến thực chất vừa đạt được giữa Paris và Algers đã phát đi hy vọng mới tại Bắc Phi. Bởi với Pháp, quan hệ với Algeria có ý nghĩa quan trọng, được xem như một chiếc hàn thử biểu cho quan hệ giữa Pháp và các thuộc địa cũ ở Châu Phi. Nước Pháp sẽ không thể tập hợp sự ủng hộ từ các thuộc địa cũ của châu lục nếu không có mối quan hệ "mẫu mực" với Algeria. Thêm vào đó, Algeria là thành viên quan trọng của thế giới Arab. Thắt chặt quan hệ với Algeria sẽ giúp uy tín và ảnh hưởng của Pháp tăng lên trong thế giới Arab. Do đó không có gì lạ khi Algeria được xem là hạt nhân trong chính sách ngoại giao của Pháp nhằm đua tranh ảnh hưởng với các cường quốc tại Châu Phi. Vì vậy, với Paris, sự hòa giải với Algers không chỉ có ý nghĩa thuần túy trong quan hệ song phương. Trong khi đó, với Algeria, Pháp là đối tác quan trọng như một nhịp nối giữa quốc gia Bắc Phi này với thế giới Âu-Mỹ. Hiện tại, Algeria vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng cho Pháp; đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu của Paris trong khu vực. Và từ đây, các doanh nghiệp Pháp tin rằng, họ sẽ tiếp tục có thêm cơ hội ở quốc gia Bắc Phi này.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi dư luận quốc tế nhận định chuyến thăm Algeria của Tổng thống F.Hollande không chỉ mở ra một trang mới trong quan hệ song phương giữa Paris và Algers mà còn khẳng định Pháp không thể là một người đến sau trên miền đất này.

Trung Hiếu