9 phút làm nên kỳ tích
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:50, 22/12/2012
Ngay giữa trận mưa bom, chỉ sau 9 phút khắc phục sự cố, Tiếng nói Việt Nam lại vang lên, các bản tin thời sự tiếp tục được phát đi, lay động triệu triệu trái tim đồng bào. Có điều ít ai biết, để làm nên "9 phút kỳ tích" ấy là cả sự chuẩn bị kéo dài gần chục năm của biết bao nhiêu người, vì một nhiệm vụ cao cả: Bất kể tình huống nào, cũng quyết giữ bằng được làn sóng phát thanh...
Một góc Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì hôm nay. |
9 phút "trái tim" ngừng đập...
Tròn 40 năm đã trôi qua nhưng mùa đông lịch sử năm 1972 vẫn in đậm trong tâm khảm ông Mai Anh Tuấn (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội). Tháng 12 năm đó, Hà Nội bước vào đợt rét đậm, cả Thủ đô chìm trong lạnh giá. Cái lạnh của thời tiết, sự khốc liệt của bom đạn không ngăn nổi tinh thần sôi sục, sẵn sàng chiến đấu. Tiếng loa truyền thanh vang vọng khắp các ngõ phố, truyền lệnh "sơ tán triệt để". Hà Nội ngày thường vốn bận rộn, tấp nập là thế, nay phút chốc bỗng vắng teo. Những con phố như dài thêm, sâu hun hút trong từng cơn gió lạnh. Đã thành thói quen thường lệ, sáng nào gia đình ông Tuấn cũng bật đài từ rất sớm để đón nghe bản tin của ĐTNVN. Sáng 19-12-1972 cũng vậy. 5h05, chương trình tin tức buổi sáng của ĐTNVN bắt đầu. Giọng cô phát thanh viên trong trẻo giới thiệu tóm tắt nội dung chương trình được phát trên các làn sóng, bỗng nhiên bom hủy diệt của máy bay B-52 dội xuống, đài vụt tắt. Ông Tuấn nhảy bổ đến chiếc đài bán dẫn, vặn đi vặn lại nút điều chỉnh sóng, nhưng chỉ có sự im lặng. Nhẽ nào ĐTNVN đã bị trúng bom? Hay có chuyện gì còn kinh khủng hơn thế?... Hàng loạt câu hỏi ùa đến trong đầu. Chưa kịp định thần, chiếc đài bán dẫn đột nhiên loẹt xoẹt, rồi tiếng cô phát thanh viên lại vang lên như thường lệ. Tim ông Tuấn như vỡ òa. Vậy là điều ông lo sợ nhất đã không đến.
Với ông Trần Đức Nuôi - Nguyên Trưởng ban Thư ký - Biên tập ĐTNVN, sự kiện 9 phút đài mất sóng mãi mãi là một dấu ấn không thể phai mờ trong quãng đời làm báo gian nan nhưng vô cùng hạnh phúc. Trong gian nhà xinh xắn, tĩnh mịch trên phố Hoàng Mai, ông bùi ngùi hồi tưởng lại thời khắc lịch sử đó: "Tháng 6-1972, tôi cùng một cán bộ của Đài Phát thanh Giải phóng nhận lệnh vào thường trú tại chiến trường phía Tây thành phố Huế. Sáng 17-12, tôi được Trưởng ban Tuyên huấn phân công nghe đài BBC để lấy tin tức. Nghe tin Tổng thống Mỹ R.Nic - xơn tuyên bố, từ ngày 18-12 sẽ đánh bom Hà Nội bằng B-52, chúng tôi vô cùng lo lắng, lo cho Hà Nội, lo cho cả gia đình nhỏ của mình. Sáng 19-12, như thường lệ, tôi dậy bật đài từ sớm để đón nghe bản tin thời sự đầu ngày. Đúng 5h05, đài phụt tắt. Tôi tưởng đài trục trặc nhưng không phải. Tôi nói với một đồng nghiệp: "Tiếng sóng mất trong veo, không có tiếng loẹt xoẹt thế này chắc chắn là nó đánh trúng đài phát sóng rồi anh ạ!" Mấy anh em đứng ngồi không yên, không dám nghĩ đến những tình huống xấu nhất... Đúng lúc đó, tiếng phát thanh viên lại dõng dạc vang lên, truyền đi bản tin quân và dân Hà Nội bắn rơi máy bay B-52, bắt sống giặc lái Mỹ. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ không nói thành lời...".
Ngay sau khi đài Mễ Trì bị trúng bom, ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng đài báo cáo ngắn gọn lên cấp trên: "Nhà máy B bị đánh sập hoàn toàn, hai đường dây
fi-đơ bị đứt, một đồng chí tự vệ hy sinh, nhiều người khác bị thương. Sóng chủ lực quốc gia 297m bị mất". Ngay lập tức, lãnh đạo ĐTNVN lệnh cho các đài dự phòng phát sóng, đài CK2 lên sóng, thay thế toàn bộ sóng của đài Mễ Trì, đồng thời phát sóng gốc cho các đài theo hệ thống dự phòng đúng như "kế hoạch 99" đề ra, bảo đảm giữ vững sóng phát thanh trong mọi tình huống. Vậy là, ngay trong ngày đầu tiên đối phó với không lực Hoa Kỳ, cùng với quân và dân Hà Nội, ĐTNVN vẫn giữ nguyên vẹn làn sóng phát thanh, "mạch máu" nối Thủ đô với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế...
Chuyện bây giờ mới kể
Trong khói bom, lửa đạn, khi ĐTNVN là "cầu nối" duy nhất để hàng triệu người dân đất Việt được xích lại gần nhau, 9 phút mất sóng của ĐTNVN đã vượt lên trên ý niệm về thời gian, trở thành một biểu tượng của cả dân tộc. Ngay sau khi làn sóng 297m phát trở lại, Bộ Biên tập ĐTNVN liên tục nhận thư từ, điện tín từ khắp nơi gửi về, bày tỏ sự chia sẻ, ca ngợi tinh thần quả cảm, hết lòng vì nhiệm vụ của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên ĐTNVN.
Tuy nhiên, có một điều ít ai hay biết, để có thể kịp thời nối sóng trong 9 phút đồng hồ ngắn ngủi giữa mưa bom, tập thể lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, biên tập viên ĐTNVN đã chuẩn bị công phu trong suốt 8 năm trời. Theo ông Nuôi, ngay từ năm 1965, Trung ương Đảng đã giao cho ĐTNVN có nhiệm vụ phải giữ vững làn sóng trong bất kỳ tình huống nào. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Cục Kỹ thuật phát thanh đã cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương bằng Chương trình kế hoạch số 99. Trong suốt 8 năm, ĐTNVN đã xây dựng mạng lưới đài phát sóng hỗ trợ gồm 14 đài phát sóng của trung ương đặt tại các địa phương. Bên cạnh đó, đài trang bị sẵn các xe phát sóng lưu động và chia đội hình phát sóng ĐTNVN làm 2 "cánh". Chị em phụ nữ có con nhỏ được ưu tiên chuyển đến địa điểm sơ tán cách Hà Nội khoảng 40km, đảm nhiệm khâu biên tập, sản xuất chương trình. Bộ phận xung kích bám trụ Hà Nội, phản ứng nhanh để kịp thời truyền tải tin, bài về tình hình chiến sự. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, nhân viên khác cũng được cử sang Côn Minh - Trung Quốc, nơi ĐTNVN mượn đài phát sóng, làm nhiệm vụ biên tập, dùng hệ thống đài bạn để xây dựng chương trình, tin tức của Việt Nam. Trong thời gian này, một đài phát sóng bằng tiếng Anh đặt ngay tại La Habana - Thủ đô của Cuba - cũng được ĐTNVN đưa vào sử dụng. Với sự chuẩn bị kỹ càng như vậy, khi Đài phát sóng Mễ Trì bị bom đánh trúng, chỉ sau 9 phút ngắn ngủi, lãnh đạo ĐTNVN đã có ngay phương án dự phòng...
Cũng cần nói rõ, thời điểm năm 1972, các chương trình phát thanh của ĐTNVN được phát trên rất nhiều làn sóng, từ 31m, 41m, 49m, 63m và 297m. Sóng 297m là bước sóng của tần số 1010 Khz. Đây là tần số mạnh của Đài phát sóng Mễ Trì và anh em kỹ sư, công nhân của nhà máy đã lấy tần số này để kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thực tế, khi Đài phát sóng Mễ Trì bị đánh bom, làn sóng trung 297m bị đứt quãng, tin tức thời sự vẫn được chuyển tải bình thường trên những làn sóng khác của ĐTNVN. Điều đó lý giải vì sao, mặc dù Mỹ tuyên bố "đã dùng B-52 phá được Đài phát thanh Hà Nội", song ngay trong đêm 19-12-1972, nhiều hãng thông tấn nước ngoài, đặc biệt hãng Kyodo của Nhật đưa tin, các chương trình vẫn được phát đi bình thường, không có gì khác trước...
40 năm đã trôi qua, góc nhìn về mỗi sự kiện lịch sử dường như trở nên rõ nét hơn, đầy đủ hơn. Song, dẫu còn khuyết hay đầy, có một điều chắc chắn rằng, tất cả những ai từng gắn bó với ĐTNVN trong suốt 12 ngày đêm trận địa "Điện Biên Phủ trên không" ấy đều có quyền tự hào về đóng góp của mình với tư cách là những người canh giữ, bảo vệ cho làn sóng của tiếng nói Việt Nam bay cao, bay xa ngay trong khói bom, lửa đạn.