Nhiều biện pháp chống khan hàng, sốt giá
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 22/12/2012
Tăng cường thanh tra, kiểm soát sẽ góp phần ổn định giá cả thị trường. Ảnh: Đàm Duy |
840,6 tỷ đồng dự trữ hàng thiết yếu
Sức mua ổn định, lượng hàng hóa dồi dào kèm theo CPI cả năm 2012 dự kiến ở mức 8% là những nguyên nhân khiến giá hàng hóa trong dịp lễ, tết cuối năm sẽ không có nhiều biến động. Song theo quy luật, cuối năm luôn là thời điểm dễ xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ, đẩy giá một số hàng hóa thiết yếu tăng cao. Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 11, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 04 yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, TP phối hợp với các ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành, BÔG những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, mặt bằng giá thị trường sẽ chịu tác động bởi một số yếu tố gây sức ép tăng giá, như sức mua tăng, lượng giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản tăng, lượng kiều hối, tiền thưởng cuối năm cũng tăng mạnh. Thêm vào đó, nhu cầu sản xuất, chế biến, dự trữ thực phẩm, hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán của người dân và DN sẽ góp phần tác động làm tăng giá hàng hóa. Để kiểm soát giá thị trường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Tài chính các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, TP tích cực triển khai chương trình BÔG. Báo cáo mới đây của các Sở Tài chính gửi về Cục Quản lý giá cho thấy, tổng số nguồn vốn tham gia chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu là 840,6 tỷ đồng. Những mặt hàng thiết yếu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, bánh mứt, lạp xưởng, bột ngọt… đều thuộc diện BÔG. Theo Cục Quản lý giá, hiện đã có hơn 60 DN tham gia chương trình BÔG với hơn 3.000 điểm bán hàng.
Tại Hà Nội, thực hiện chương trình BÔG năm 2012, UBND TP đã tạm ứng 376 tỷ đồng vốn ngân sách không tính lãi suất cho các DN tham gia. Đồng thời, các DN bằng nhiều nguồn vốn khác đã chủ động tăng mức dự trữ hàng hóa, bảo đảm tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng 20% so với tổng mức tiêu thụ của TP trong vòng một tháng tại 689 điểm bán hàng BÔG. Thời gian thực hiện BÔG sẽ được TP Hà Nội kéo dài đến hết tháng 4-2013. Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình BÔG hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được thực hiện trong cả năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013 với 9 nhóm hàng. Đến nay, đã có 25 DN tham gia với 2.687 điểm bán hàng. DN tham gia bán hàng BÔG cam kết sẽ bán hàng với giá thấp hơn thị trường 5-10%. Các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bến Tre, Bình Dương… cũng tạm ứng 10-40 tỷ đồng, tùy theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và ngân sách địa phương nhằm triển khai chương trình BÔG, góp phần giữ ổn định thị trường.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Cùng với việc thực hiện chương trình BÔG tại các địa phương, công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá cũng sẽ được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đơn vị sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thị trường tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, tập trung vào các TP lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Cục Quản lý giá sẽ phối hợp với các ngành nắm bắt tình hình cung - cầu và dự trữ hàng hóa để thực hiện bình ổn giá, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đăng ký giá, chấp hành pháp luật về giá.
Tại Hà Nội, bên cạnh việc tích cực triển khai công tác BÔG, ngày 18-12, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 19, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, điều hành và BÔG trên địa bàn dịp cuối năm. Chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, điều hành BÔG, theo dõi sát diễn biến giá cả và có phương án kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết. UBND TP cũng yêu cầu các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo nguyên tắc thị trường, nỗ lực giữ ổn định thị trường và có biện pháp hỗ trợ phù hợp để DN giãn thời gian điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ (do Nhà nước định giá), nhất là trong tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.