Bao giờ chấm dứt thỉnh án?
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 22/12/2012
Trong đó, con số 29,2% thẩm phán cấp tỉnh và 22,8% thẩm phán cấp huyện trao đổi đường lối giải quyết vụ án với lãnh đạo tòa án đối với tất cả các loại vụ án; 63,9% thẩm phán cấp tỉnh và 67,7% thẩm phán cấp huyện cho biết là tòa án mình có "quy chế về báo cáo án"…
Đây không phải là nghiên cứu nhỏ lẻ mà là kết quả khảo sát có sự tham gia của hơn 2.500 thẩm phán, đại diện cho gần một nửa thẩm phán tòa án cấp tỉnh và huyện trên cả nước. Điều này cũng có nghĩa nguyên tắc độc lập xét xử đã được hiến định nhưng không được triển khai tốt hoặc đang tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau ở nhiều vùng, miền. Từ các ý kiến của các thẩm phán, còn có thể thấy, tình trạng "thẩm phán trao đổi đường lối giải quyết vụ án với lãnh đạo tòa án" (còn gọi là "báo cáo án") khá phổ biến, khiến quan hệ giữa tòa án cấp trên và tòa án cấp dưới là quan hệ tố tụng song đang được thực hiện dưới cơ chế hành chính. Tòa án cấp huyện đang coi tòa án cấp tỉnh là cơ quan cấp trên, chứ không "hình dung" đây là hai cấp xét xử độc lập.
Phải chăng đây là nguyên nhân khiến Tòa án nhân dân tối cao đã nhiều lần phát đi thông điệp phải chấm dứt tình trạng thỉnh án, báo cáo án song vấn nạn trên không giảm. Không tòa án, thẩm phán nào công khai thừa nhận việc này nhưng rõ ràng "thỉnh án" hay "báo cáo án" đã làm lu mờ tính độc lập của thẩm phán nói riêng và hội đồng xét xử nói chung.
Ở các nước tiên tiến, để hạn chế tối đa tình trạng thỉnh án, mọi hoạt động của phiên tòa đều diễn ra công khai. Vì tăng cường minh bạch tòa án thông qua công khai xét xử sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các thẩm phán và hạn chế tối đa mọi sự can thiệp không cần thiết. Tiếc là nguyên tắc này chưa được áp dụng triệt để tại hệ thống tòa án nước ta. Thường thì chỉ có những người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới nhận được giấy mời tham dự phiên xét xử. Ở hầu hết quận, huyện, lịch làm việc của tòa án không được công bố công khai. Đây là điều Tòa án nhân dân tối cao cần xem xét để có những điều chỉnh phù hợp.