Những cách “giữ mình” trong bữa tiệc cuối năm
Xã hội - Ngày đăng : 14:47, 21/12/2012
Mặc dù đây là một dịp tốt để thoải mái, vui vẻ với những người đồng nghiệp, đối tác, một cơ hội say sưa, nhưng đồng thời đừng quên tiệc liên hoan cuối năm vẫn là một sự kiện chuyên nghiệp.
Theo Helene Wasserman, một luật sư chuyên về luật lao động và việc làm cho biết, có không ít những hành vi quấy rối, sàm sỡ, hay bạo lực trong dịp nghỉ lễ cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu là do rượu.
Cách tốt nhất để giữ mình trong dịp này là phải nhớ rằng bạn vẫn đang làm việc và các quy tắc vẫn có hiệu lực. Cho dù đang kề vai, sát cánh nhậu nhẹt cùng sếp thì vẫn phải nhớ rằng ông ta là sếp.
Cho dù có uống rượu hay không, luật sư Wasserman và các chuyên gia cũng gửi đến các bạn một số bí quyết để giúp bạn giữ mình, và giữ cả công việc trong những bữa tiệc vui vẻ.
1. Đừng trốn không tham dự buổi tiệc
Sau khi đã làm việc vất vả cả năm, dù có điều gì không hài lòng, cũng không nên tránh mặt khỏi bữa tiệc cuối năm. Dành thêm vài tiếng để tham dự với các đồng nghiệp có thể không khiến bạn vui vẻ, nhưng bỏ không tham dự sẽ gây ấn tượng không tốt về bạn.
Để thể hiện sự tận tuỵ của mình với công ty bằng cách tham gia nhiệt tình ít nhất 30 phút. Luôn thể hiện với mọi người rằng những dịp tụ tập của công ty là sự kiện không thể bỏ qua.
2. Nhưng cũng đừng đến đúng giờ quá
Dù tiệc diễn ra ngay tại nơi làm việc, bạn cũng nên về nhà khi hết giờ làm rồi quay trở lại. Nếu không muốn về nhà, bạn hãy cứ tiếp tục làm việc cho đến khi thấy có ¾ đồng nghiệp đã sẵn sàng tham dự.
“Bạn biết ai thường đến tiệc đúng giờ không ? Đó rất có thể là một nữ quản lý khó tính ở phòng nhân sự mà bạn chẳng bao giờ nói chuyện. Nếu bạn đến đúng giờ, sẽ chỉ có bạn đứng trơ ra đó với bà ta trong khi DJ đang bật “Gangnam Style”.
3. Đừng quên rằng những quy định về hành vi, ứng xử, trang phục của công ty vẫn được áp dụng, cho dù là sau giờ làm.
4. Đừng nói chuyện công việc ở bữa tiệc
Nói cách khác, đừng nói chuyện về đề bạt, hay xin tăng lương gì ở bữa tiệc. Điều đó thật không khôn ngoan. Bởi vì đó là một sự kiện của công ty, nên chắc chắn các cuộc trò chuyện cũng sẽ dính líu ít nhiều công việc, điều đó là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đừng dự tiệc với một lịch trình làm việc định trước.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh bàn tán về các đồng nghiệp khác ở đây.
5. Ăn nhẹ trước khi đến dự tiệc
Mặc dù các bữa tiệc hầu như đều có đồ khai vị, nhưng bạn vẫn nên trước bữa tiệc bắt đầu. Nếu không, bạn sẽ dễ bị say hơn bạn tưởng. Ngoài ra, ăn uống nhồm nhoàm khi bạn gặp gỡ, trò chuyện với người này, người kia là khá bất tiện trong những sự kiện như vậy.
Theo chuyên gia Jason Fitzpatrick, “một bữa ăn nhẹ nhưng đủ chất sẽ khiến dạ dầy bạn tập trung vào tiêu hoá thức ăn và chất lỏng bạn uống cũng sẽ hoà trộn vào đó cùng với quá trình tiêu hoá. Nếu bạn đến dự tiệc với cái bụng đói thì các loại rượu bia mà bạn uống sẽ ngấm thẳng vào máu bạn nhanh hơn, khiến bạn nhanh chóng bị say xỉn. Ăn đồ ăn béo hoặc thực phẩm nhiều protein trước khi uống rượu bia sẽ làm giảm sự hấp thu chất cồn vào máu.
6. Đừng ăn đồ quá ngọt, quá mặn, quá béo
Tuy nhiên, trong bữa tiệc thì lại đừng ăn đồ quá mặn, quá béo hay quá ngọt – những thức ăn này sẽ khiến bạn muốn uống nhiều hơn
Những thực phẩm nói trên sẽ làm bạn cảm thấy khát, và do đó, theo phản xạ, bạn cứ muốn uống đồ uống có cồn liên tục.
Thay vì đồ ăn quá béo, mặn, quá ngọt, hãy ăn những thứ giàu Protein và tinh bột. Những thức ăn này sẽ ở trong dạ dày lâu hơn và làm chậm quá trình hấp thụ cồn vào máu.
Hãy nhớ, giữ cho mình tỉnh táo, càng lâu càng tốt
7. Biết giới hạn của mình
Đừng quên rằng sắp tới không chỉ có tiệc cuối năm, mà còn tiệc giáng sinh, tổng kết công ty, Tết âm lịch... Có rất nhiều lý do để bạn phải tham dự tiệc vào dịp này. Vì thế hãy giới hạn mức uống của mình, hay ít nhất cũng phải biết rõ khả năng uống của mình đến đâu để giữ tỉnh táo. Nếu lo không thể kiểm soát được bản thân, bạn có thể mời bạn gái (bạn trai), vợ (chồng) đi cùng trong những dịp có thể.
“Thông thường, các nhân viên thường cẩn trọng, giữ ý hơn khi có bạn đồng hành đi cùng”, một chuyên gia.
8. Đừng nhảy đôi
Đặc biệt là nhảy đôi ở những điệu nhạc chậm rãi, lãng mạn – với một đồng nghiệp khác. Điều này sẽ gây nên lời đồn không hay trong công ty sau đó.
9. Đừng là người cuối cùng rời buổi tiệc
Nếu bạn thấy quá say, mệt, hãy gọi taxi ngay lập tức. Dù đó là một dịp vui vẻ, nhưng cũng đừng để cả công ty cho rằng bạn là người ham mê tiệc tùng. Hãy dừng uống một giờ trước khi rời khỏi bữa tiệc.
10. Đừng có tổ chức hay tham dự “tăng 3”
Một số đồng nghiệp có thể sẽ thích đi đâu đó để uống tiếp hay hát hò sau khi bữa tiệc kết thúc. Nếu bạn vẫn hoàn toàn tỉnh táo, có thời gian và có thể kiểm soát được tửu lượng của mình, bạn có thể đi cùng đồng nghiệp cho vui. Tuy nhiên, nếu sau vài cốc, ai đó lại gợi ý đi “tăng 3”, tuyệt đối không nên tham gia. Tại sao ?
“Vào cái lúc mà mọi người đã di chuyển đến địa điểm thứ 3 sau bữa tiệc, không khí và cảm giác lúc đó đã thay đổi. Đó không còn chỉ là nhóm người vui vẻ sau giờ làm việc lúc nãy, mà đó là nhóm đã có phần “quá khích”.
Khi đó, là một người trưởng thành, bạn cần phải lựa chọn. Có thể bạn sẽ rơi vào tình huống bẽ mặt trước nhiều đồng nghiệp, có thể không. Nhưng hãy nhớ, nếu có chuyện gì quá đà xảy ra, sẽ không có cơ hội cho bạn lấy lại hình ảnh cũ.
11. Nhớ đi làm vào sáng hôm sau
ĐIều này đặc biệt quan trọng nếu tối hôm trước bạn đã bị say xỉn. Tất cả mọi người sẽ biết tại sao bạn không đi làm, kể cả sếp.
Bạn phải đi làm vào ngày hôm sau. Nếu bạn không đi làm, tất cả mọi người sẽ biết lý do tại sao và họ sẽ có cơ hội túm năm tụm ba để nói về chuyện bạn uống ra sao, xử sự như thế nào đêm hôm trước. Rồi câu chuyện sẽ được thêm mắm thêm muối và lan rộng. Nếu bạn vẫn đi làm, họ chỉ có thể nói lén sau lưng lúc không có bạn và như vậy sẽ giảm được những lời buôn chuyện đến 50%. Nếu bạn đã gặp rắc rối tối hôm trước rồi thì cố đừng làm cho nó tồi tệ hơn nữa, bằng cách nghỉ làm.