Chính trường Italia: Trong vòng xoáy bất ổn mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 21/12/2012

(HNM) - Chính trường Italia đang phải đối mặt với những cơn sóng gió mới trước tuyên bố sẽ từ chức của Thủ tướng Mario Monti sau khi dự thảo ngân sách năm 2013 được thông qua trong 10 ngày tới. Như vậy, Italia sẽ phải tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2 năm tới.


Như vậy, Italia sẽ phải tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2 năm tới. Điều mà dư luận Italia quan tâm nhất hiện nay là khả năng quay lại chiếc ghế đứng đầu nội các của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.


Quyết định trở lại chính trường của cựu Thủ tướng Italia S. Berlusconi khiến nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu lo ngại.

Sở dĩ Thủ tướng M.Monti phải "dứt áo ra đi" là do chính phủ của ông không thể hoàn thành nhiệm vụ sau khi mất đi sự ủng hộ của đảng trung hữu Nhân dân tự do (PDL) - đảng lớn nhất Italia của cựu Thủ tướng S.Berlusconi. Ý định trở lại chính trường của ông chủ Câu lạc bộ bóng đá AC Milan diễn ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng M.Monti không còn được lòng dân do chính sách tăng thuế, thắt chặt chi tiêu làm cho nạn thất nghiệp tăng. Nền kinh tế được dự đoán là tăng trưởng âm 1,9% trong năm 2012 khiến Italia đang có nguy cơ nối gót Hy Lạp với một gói cứu trợ khổng lồ từ Liên minh Châu Âu (EU) cũng như các thể chế tài chính khu vực. Trớ trêu thay, đây lại là lợi thế có thể giúp ông S.Berlusconi gia tăng tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, chiến thắng vẫn là một mục tiêu vô cùng khó khăn đối với chính trị gia 76 tuổi. Vì theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Italia, đảng PDL của cựu Thủ tướng Italia chỉ nhận được 15% ủng hộ, thấp hơn nhiều trước đối thủ có khả năng giành chiến thắng nhất trong cuộc bầu cử là đảng Dân chủ của nhà lãnh đạo Pier Luigi Bersani.

Thách thức lớn nhất với cựu Thủ tướng S.Berlusconi là làm thế nào để xây dựng lại hình ảnh vốn đang gắn với hàng loạt scandal từ tiệc tùng xa hoa, tham nhũng đến bê bối tình dục... Ngoài ra, các nhà lãnh đạo khu vực cũng không chào đón kế hoạch trở lại chính trường của nhà tài phiệt truyền thông S.Berlusconi. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso cảnh báo, Italia cần phải tiếp tục con đường cải tổ trong khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy nhấn mạnh "ông M.Monti là vị Thủ tướng vĩ đại của Italia"; đồng thời bày tỏ hy vọng "các chính sách của ông M.Monti sẽ được tiếp tục sau bầu cử". Tổng thống Pháp cũng mong muốn ông M.Monti vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của đất nước hình chiếc ủng. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đồng quan điểm với Tổng thống Pháp khi nhấn mạnh đến sự hợp tác hiệu quả khi làm việc với ông M.Monti. Thông điệp này rất rõ ràng: nước Đức và phần còn lại của EU muốn thấy Thủ tướng M.Monti tiếp tục ở lại và họ cảm thấy thất kinh khi "ngài" S.Berlusconi có thể một lần nữa lên nắm quyền ở Italia.

Trên thực tế, lo ngại của các nhà lãnh đạo Châu Âu không phải không có cơ sở. Với kinh nghiệm ba lần làm Thủ tướng Italia, ông S.Berlusconi có lẽ không thiếu "độc chiêu" để lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri. Từ nay đến ngày diễn ra bầu cử còn 3 tháng - một khoảng thời gian không dài, nhưng cũng có thể đủ để một chính trị gia lão luyện như ông S.Berlusconi "làm nên chuyện". Kế hoạch ngay lập tức của người đứng đầu PDL là tái tổ chức lại hàng ngũ bị chia rẽ, xây dựng đề án tranh cử, trong đó chỉ trích toàn diện chính sách "thắt lưng buộc bụng" và các chính sách khác của chính phủ đương nhiệm để chứng tỏ mình là người có thể dẫn cử tri tới con đường "ít đau khổ" hơn. "Quân bài" gây chú ý nhất của ông S.Berlusconi hiện nay là chính sách bãi bỏ thuế động sản, giảm bớt thuế cho các hoạt động đầu cơ tài chính, đi ngược với những gì Thủ tướng M.Monti đang triển khai. Trong bối cảnh người dân Italia đang mất dần kiên nhẫn với các đợt "thắt lưng buộc bụng" khắt khe của chính phủ đương nhiệm thì chủ trương nới lỏng thuế rất có thể mang đến cú lội ngược dòng ngoạn mục cho ông S.Berlusconi. Bằng không, PDL cũng có thể giành chiến thắng vừa đủ trong Quốc hội để có thể ngăn chặn hoặc làm trì hoãn nghiêm trọng các cải cách do Thủ tướng M.Monti đề xuất.

Nhưng, điều đáng quan tâm nhất khiến Italia đang trở thành tâm điểm của Châu Âu hiện nay là, bất kỳ động thái nào chống lại các chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang được Roma thực hiện đều có thể gây hoảng sợ cho các thị trường tài chính châu lục và đặt số phận Italia vào một cuộc "đầu cơ" đầy may rủi.

Quỳnh Chi