Cần những hướng dẫn khả thi để bảo vệ người giúp việc gia đình

Đời sống - Ngày đăng : 16:31, 20/12/2012

(HNMO) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị cần có thêm những hướng dẫn thi hành cụ thể cho lĩnh vực đặc thù này để có thể đưa luật vào cuộc sống.


Giúp việc gia đình cần được công nhận trong danh mục nghề. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp.


Bộ luật Lao động mới được thông qua vào tháng 6/2012 vừa qua lần đầu tiên công nhận giúp việc gia đình là một nghề và dành 5 điều khoản cụ thể điều chỉnh loại hình lao động này.

“Đây là một sự đột phá,” bà Lin Lean Lim, Chuyên gia cao cấp và cố vấn của ILO về bình đẳng giới và Việc làm bền vững nhận định: “Cần phải luật hóa vấn đề lao động giúp việc bởi bộ phận này đang ngày một tăng trong lực lượng lao động.”

Hiện tại, nhu cầu thuê giúp việc gia đình tiếp tục gia tăng ở Việt Nam cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Một nghiên cứu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và ILO thực hiện trong năm 2011 cho thấy 46% các hộ gia đình được khảo sát ở Hà Nội và TP HCM có người giúp việc và tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2000. Nữ giới chiếm tới 90,7% các giúp việc gia đình và phần lớn là lao động nhập cư.

Bà Lin cho biết: “Cả hai nhóm này đều dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng. Bởi vậy, đưa giúp việc gia đình vào luật cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy việc làm bền vững, bình đẳng giới và bảo vệ lao động dễ bị tổn thương.”

Hồi đầu năm 2012 đã xảy ra vụ một người giúp việc 59 tuổi, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội bị hành hạ dã man. Người phụ nữ này đã tố cáo người thuê bà – một gia đình ở quận Ba Đình, Hà Nội – đã đánh đập, ép bà uống nước sôi, ăn ớt và phân người và đỉnh điểm là dội nước sôi lên người bà trong thời gian 4 tháng bà làm việc ở đó.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân đồng ý rằng vấn đề giúp việc gia đình là “một vấn đề lớn của Việt Nam” không chỉ bởi nhu cầu gia tăng trong xã hội mà còn ở chỗ Việt Nam đưa lao động giúp việc ra nước ngoài và tiếp nhận giúp việc nước ngoài làm việc ở Việt Nam, đặc biệt là ở TP HCM.

Thừa nhận rằng để thực hiện những điều khoản mới quy định về giúp việc gia đình không phải là một điều đơn giản, thứ trưởng cho biết Bộ LĐTBXH hiện đang soạn thảo tài liệu hướng dẫn thi hành các điều khoản này trước khi Bộ luật có hiệu lực vào tháng 5/2013, đồng thời đang xem xét ra một nghị định dưới luật.

Bà Lim cho rằng thực thi luật là một việc “có thể làm được” với điều kiện “văn bản hướng dẫn mang tính thực tế và quy định các vấn đề có thể giải quyết được trong bối cảnh của Việt Nam”.

Văn bản hướng dẫn cần định nghĩa cụ thể về lao động giúp việc gia đình, quy định các vấn đề chính trong hợp đồng lao động và phải bao gồm cả các công ty môi giới cung cấp lao động giúp việc.

Bà Lim cũng khuyến nghị Bộ LĐTBXH rà soát lại các điều khoản khác trong Bộ luật Lao động, như lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội, để xem những phần nào được áp dụng cho lao động giúp việc gia đình: “Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, bản thân người giúp việc gia đình và toàn xã hội,” bà nói.

H.T