Loay hoay giải “bài toán” chăn nuôi an toàn

Kinh tế - Ngày đăng : 08:12, 19/12/2012

(HNM) - Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) đang triển khai ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Người nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ…

(HNM) - Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) đang triển khai ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Người nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ… Tuy nhiên, việc thực hiện LIFSAP còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí để sửa chữa chuồng trại đạt tiêu chuẩn hay việc người nông dân còn bỡ ngỡ với phương thức này…



Mô hình chăn nuôi lợn có quy mô lớn tại huyện Thanh Oai.Ảnh: Bá Hoạt


Hiện nay, chăn nuôi ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã có nhiều chuyển biến song quy trình chưa bảo đảm. Trên địa bàn thành phố vẫn thiếu các cơ sở cung cấp giống gia súc, gia cầm chất lượng cao. Hệ thống cửa hàng thực phẩm tại chợ hầu như chưa được quan tâm đầu tư theo tiêu chuẩn nên chưa bảo đảm vệ sinh… Thực hiện LIFSAP Ban quản lý dự án thành phố đã tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo phương thức sản xuất chăn nuôi an toàn (GAHP) ở 12 xã của các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai, Thanh Oai với 240 hộ nông dân tham gia. Các địa phương triển khai mô hình được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, ghi chép nhật ký để theo dõi tình hình từ khi nhập giống đến nuôi trưởng thành. Theo Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thị Tam, các hộ tham gia được hỗ trợ quản lý chất thải và đầu tư xây hầm biogas, các công trình an toàn sinh học được kiểm tra đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và chất lượng thực phẩm. Các trại chăn nuôi lợn tham gia GAHP sẽ được thực hiện thí điểm hệ thống nhận diện gia súc và nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn còn gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết hộ chăn nuôi còn yếu về kỹ năng thực hành, hạ tầng kỹ thuật như chuồng trại, hệ thống xử lý môi trường… còn thiếu. Cũng theo quy định, việc đầu tư, xây dựng hầm biogas phải bảo đảm đúng chất lượng và có đánh giá của Ban quản lý dự án mới được hỗ trợ nhưng không phải trang trại nào cũng có kinh phí để xây dựng trước. Anh Nguyễn Văn Quân, hộ chăn nuôi ở xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) còn cho biết, từ trước đến nay chăn nuôi theo kiểu tự do, không quen ghi chép tỉ mỉ từ mua con giống, giờ cho ăn, tiêm vắc xin... nên thấy ngại.

Để khắc phục những khó khăn hiện nay và nhân rộng mô hình từ 240 hộ lên 800 hộ trong năm 2013, sau đó nhân rộng ra các xã, Ban quản lý dự án LIFSAP cho rằng, các ngành của TP Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ, chính quyền địa phương phải đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá, nhìn chung nông dân bắt đầu làm quen với kỹ thuật chăn nuôi an toàn để sản phẩm ra thị trường có thể kiểm tra hệ thống truy nguyên nguồn gốc. Song để khắc phục những điểm yếu hiện nay, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án, chính quyền các cấp cần có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn và an toàn. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi thực hiện khép kín từ sản xuất tới bàn ăn để từng bước xóa bỏ phương thức làm ăn nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường…

Ngọc Quỳnh