Quản lý nhập cư - Bài toán khó đã có lời giải

Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 19/12/2012

(HNM) - Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7-2013, quy định điều kiện nhập cư vào địa bàn nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn. Đây là một trong những vấn đề được cử tri Hà Nội và nhân dân cả nước quan tâm, đáp ứng đòi hỏi bức thiết hiện nay.


Áp lực lớn

Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội chịu áp lực ngày càng lớn từ những bất cập trong phát triển đô thị, đặc biệt là trong quản lý dân cư.


Qua 5 năm thực hiện Luật Cư trú, số người chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống, tăng nhanh, gây sức ép rất lớn. Sau khi mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008), dân số TP đã là hơn 6,5 triệu nhân khẩu, mật độ trung bình hơn 1.900 người/km2... đứng thứ 2 toàn quốc (chỉ sau TP Hồ Chí Minh). Điều đáng nói, dân số Hà Nội tăng nhanh chủ yếu do tăng cơ học từ các địa phương khác về (chiếm khoảng 85%). Hơn nữa, dân số Hà Nội lại chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành. Theo thống kê, năm 2008, 10 quận nội thành có hơn 2,3 triệu người, đến tháng 10-2011, dân số 10 quận nội thành là hơn 2,5 triệu người, tăng 9,2%. Mật độ cao nhất ở khu vực này là các quận Đống Đa (khoảng 38.000 người/km2), Hai Bà Trưng (khoảng 30.000 người/km2), Hoàn Kiếm (khoảng 28.000 người/km2)...

Tình trạng tăng dân số quá nhanh hiện nay ở Thủ đô có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do Hà Nội với vị trí là trung tâm chính trị - văn hóa, nơi tập trung về khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, không thể tránh khỏi sự kỳ vọng của người dân mong muốn được về Thủ đô sinh sống, lao động và học tập. Cùng với sự đi lên của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống tại Hà Nội ngày càng được nâng lên, hấp dẫn người dân ngoại tỉnh. Ngoài ra, số lượng học sinh, sinh viên về Hà Nội học tập, lao động thời vụ, di cư đến Hà Nội tìm kiếm việc làm hằng năm gia tăng. Trong khi đó, qua thực hiện Luật Cư trú, điều kiện đăng ký thường trú, quyền tự do cư trú của công dân tại TP mở rộng và dễ dàng hơn...

Bên cạnh những mặt tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh, đặc biệt là ở khu vực nội thành đã vượt tầm kiểm soát, tạo sức ép lớn cho Thủ đô trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề bảo đảm ANTT, chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, chất lượng lao động... Trong điều kiện cơ sở vật chất của Thủ đô hiện nay, mở rộng diện đăng ký thường trú là chưa hợp lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả cộng đồng.

Có "rào" nhưng không "cản" được

Trước hết, phải khẳng định, việc siết chặt điều kiện nhập cư vào Hà Nội, nhất là khu vực nội thành, không trái với Luật Cư trú cũng như các quy định khác của pháp luật, càng không mâu thuẫn với quy hoạch chung của Thủ đô, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bởi nội dung Luật Thủ đô nêu rõ, dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. HĐND TP Hà Nội ban hành biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, TP trực thuộc TƯ trong Vùng Thủ đô và các tỉnh, TP trực thuộc TƯ khác phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.

Như vậy, có thể hiểu rằng, các quy định về cư trú tại Luật Thủ đô chủ yếu nhằm quản lý tình trạng nhập cư tự do, không có kiểm soát vào khu vực nội thành, nơi mà mật độ dân cư quá lớn. Trong khi việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú thì việc đăng ký thường trú ở nội thành rất cần có những "rào cản kỹ thuật" nhất định để vừa đem lại môi trường sống tốt hơn cho TP, vừa thuận lợi trong quản lý hành chính cũng như phòng ngừa, hạn chế những nguy cơ về tội phạm, tệ nạn, giảm khó khăn về giao thông và trật tự đô thị.

Dưới góc độ người đứng đầu cơ quan CATP, cũng là một đại biểu Quốc hội, Đại tá Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự đồng tình cao với quy định về quản lý dân cư trong Luật Thủ đô và khẳng định quy định để hạn chế việc tăng cơ học số dân nhập cư vào các quận nội thành là phù hợp. Trước thời điểm Luật Thủ đô có hiệu lực, thông qua các hoạt động nghiệp vụ, CA các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở sẽ tiếp tục rà soát thực trạng các loại hình cư trú trên địa bàn TP. CATP sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND TP về công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý và cấp phép cư trú để ngay khi luật có hiệu lực, công tác này sẽ được triển khai hiệu quả, bảo đảm minh bạch, công bằng, đúng quy định của Luật Thủ đô.

Thành Tâm