Tiêu tiền cũng cần được dạy
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 19/12/2012
Kết quả nghiên cứu các khoản chi của thanh niên cho thấy, nội dung chi nhiều nhất là ăn uống (68%), tiếp theo là xăng xe, điện thoại (55%), mua sắm (53%), sinh hoạt phí (43%), học tập (42%) và đi chơi (37%). Nội dung có ít người chi hơn là cho, biếu người thân (18%) và tiết kiệm (29%). Như vậy, theo khảo sát, chỉ 1/3 số người được hỏi tiết kiệm được tiền, 2/3 còn lại rơi vào nhóm chi hết số tiền mình có hoặc chi nhiều hơn có. Điều đáng lo ngại là nhóm chi tiêu nhiều hơn số tiền mình có không nhỏ (chiếm 24,5%). Vẫn biết rằng thanh niên có nhu cầu chi tiêu cao, nhưng việc chi không căn cứ vào túi tiền của mình có thể dẫn đến những hậu quả xấu nếu như họ không tìm ra nguồn để bù đắp.
Một bộ phận giới trẻ cần xác định khi tiêu tiền phải có văn hóa. Ảnh: Như Ý
Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, ăn uống, học tập và sinh hoạt phí là những khoản được nhiều người cho là phải ưu tiên của mình (44%, 25% 19,4%). Theo TS Nguyễn Thị Hoa, Viện Tâm lý học, khoản ưu tiên này tương đối khác ở các đối tượng khác nhau. Sinh hoạt phí là ưu tiên của thanh niên trên 18 tuổi, ngược lại, học tập là ưu tiên của nhóm dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy mua sắm đứng ở hàng ưu tiên số một của một nhóm không nhỏ trong số thanh niên 18 tuổi (15%).
Có thể thấy rằng, những khoản chi được ưu tiên của thanh niên hiện nay cũng là những khoản để nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất. Những nhu cầu bậc cao hơn như học tập chỉ có ở một bộ phận thanh niên và hầu như đó là những người đang đi học. Thanh niên là tuổi của những hoài bão, ước mơ, vì thế học tập là điều cần thiết. Nhưng, với nhiều bạn trẻ trong nhóm mẫu khảo sát thì chi cho học tập chưa phải là ưu tiên, mua sắm mới là ưu tiên hàng đầu của họ.
"Vung tay quá trán"
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu tỷ lệ chi tiêu cho cộng đồng và bản thân của thanh niên trong trường hợp họ có một số tiền nhất định. Với hai tình huống giả định là khi có ít tiền và khi có số tiền lớn. Kết quả cho thấy, khi có ít tiền, thanh niên chi tiêu cho bản thân lớn nhất (40%), tiếp đến là gia đình (30%), sau đó là bạn bè và tiết kiệm (15%), chi cho cộng đồng tỷ lệ thấp nhất (10%). Khi có số tiền lớn, tỷ lệ chi tiêu của thanh niên không khác nhiều so với khi có số tiền nhỏ.
Từ cơ cấu chi tiêu trên có thể thấy sự quan tâm của thanh niên ngày nay theo hệ giá trị cá nhân - cộng đồng đang ở trong hình thái chóp nón. Trong đó, chiếm phần lớn nhất là chính bản thân mỗi cá nhân, tiếp theo là gia đình, bạn bè và cuối cùng là cộng đồng. Như vậy có thể thấy phần nào sự biến chuyển về hệ giá trị cá nhân - cộng đồng của thanh niên ngày nay khác nhiều so với thế hệ cha ông ngày xưa, mà ở đó các giá trị cộng đồng được đặt lên hàng đầu, giá trị cá nhân là cái sau cùng nhất.
Theo TS Nguyễn Thị Hoa, trong lĩnh vực văn hóa tiêu dùng, nhận thức và hành động thực tế của thanh niên không liên quan đến nhau. Họ có thể nhận thức rằng có bao nhiêu thì chi bấy nhiêu nhưng trên thực tế, họ vẫn chi tiêu vượt số tiền mình có. Cụ thể, 24% thanh niên nhận thức tốt nhưng có đến 57% chi tiêu nhiều hơn số mình có. Mặc dù họ không đồng tình với quan điểm "thanh niên đã muốn mua gì cần quyết tâm, nếu thiếu thì đi vay" nhưng trong thực tế họ vẫn đi vay cho mục đích chi tiêu. Chi "bạo", tiêu xài quá mức đang trở thành một lối ứng xử phổ biến của thanh niên hiện nay. Tiết kiệm dường như không phải là thói quen của họ.
Một số nhà xã hội học cho rằng, kiếm tiền cần có văn hóa, tiêu tiền càng cần phải có văn hóa hơn và đôi khi tiêu tiền còn khó hơn kiếm tiền. Vì thế, cả kiếm tiền, tiêu tiền đều cần được quan tâm giáo dục đúng mức và phải bắt đầu từ rất sớm để thanh niên thấy được giá trị thực của đồng tiền, hiểu được việc kiếm tiền cần đến khối óc, sức lực thế nào và cũng cần biết tiêu thế nào cho có văn hóa. Cụ thể, về phía cha mẹ cần quan tâm đến việc dạy con trân trọng giá trị của đồng tiền, của việc kiếm tiền, tiêu tiền. Về phía nhà trường, cần xây dựng lối sống tích cực, đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa, qua đó giáo dục văn hóa kiếm tiền, tiêu tiền cho học sinh.