“Thảm họa” nhạc trẻ: Lỗi từ nhiều phía

Văn hóa - Ngày đăng : 14:47, 18/12/2012

(HNMO)- Những ngày này dư luận bỗng ồn ào trở lại với “thảm họa nhạc trẻ”, “thảm họa V-Pop”. Sự “thức tỉnh đồng loạt” được cho là bắt nguồn từ một hội thảo về chủ đề âm nhạc và giới trẻ do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức vào cuối tuần qua.

Các ca sĩ được cho là "thảm họa" nhạc trẻ" hiên nay


Những gì đã và đang diễn ra trong nhiều năm gần đây cho thấy sự xuống dốc về chất lượng âm nhạc dành cho giới trẻ, không phải về số lượng mà vì chất lượng quá kém của nhiều tác phẩm, vì cách tiếp nhận và quảng bá tác phẩm “thảm họa” một cách vô trách nhiệm từ phía người nghe, từ những nhà tổ chức chương trình… Bởi thế, sự chỉ trích trong những ngày qua, có xu hướng tập trung vào một số ca sĩ, người viết nhạc, là không đầy đủ bởi “thảm họa” V-Pop xảy ra là do sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố.

Đã kém còn vô trách nhiệm

Quanh đời sống âm nhạc của giới trẻ Việt Nam từ lâu đã có nhiều chuyện không hay. Chuyện ca sĩ “thiếu trên, hở dưới”, hát nhép, nhảy nhót phản cảm, phát ngôn bừa bãi để được nhiều người biết đến mình. Chuyện nhiều người “tay ngang” nổi hứng sáng tác, một số không ít cho ra đời tác phẩm làng nhàng, thậm chí có cả thứ đáng gọi là “quái thai âm nhạc”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Cẩm Nhung cho rằng, những ca khúc được coi là “thảm họa” xuất phát từ những người sáng tác. Một bộ phận nhạc sĩ trẻ hiện nay không chỉ dựa vào hiểu biết ít ỏi về âm nhạc mà họ còn có cái nhìn quá hạn hẹp. Một số nhạc sĩ trẻ truyền đạt tới người nghe những suy nghĩ nông cạn, tư tưởng bồng bột. Vì thế, hiện nay tràn lan những ca khúc ủy mị, sướt mướt, ngôn từ nông nổi, dễ dãi, điển hình như ca khúc “Da nâu” ca sĩ gọi là hát nhưng thực chất chỉ lặp đi lặp lại 20 từ.

Ca khúc "Da nâu" của ca sĩ Phi Thanh Vân bị chỉ trích vì sự nhảm nhí về cả ca từ lẫn giai điệu


Bà Trần Lệ Chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam thì nhận định: “Nhạc thị trường tập trung một lực lượng không nhỏ những người làm nhạc theo kiểu công nghệ như làm nhạc bằng phần mềm máy tính, chơi nhạc cũng bằng phần mềm âm thanh cài đặt sẵn trong máy tính, nhưng nhờ công nghệ ghi âm và bằng phần mềm chỉnh âm chuyên nghiệp, hiện đại… đã khiến cho thị trường âm nhạc bị lũng đoạn, không đi theo một chuẩn mực, đồng thời các nhà quản lý cũng không biết phải định hướng thẩm mỹ hay đưa ra phương án tối ưu cho những chế tài”.

Sáng tác ca khúc ngày càng dễ dãi, lại thêm những người thể hiện cũng chỉ trực được nổi tiếng nhanh chóng để kiếm lời. Với những người kém tài nhưng thích nổi tiếng, cách đến với số đông được ưa chuộng hiện nay là tạo hành vi gây sốc. Thế nên, cũng không khó hiểu khi một vài cá nhân để bước chân nhanh vào giới showbiz đã tung lên mạng xã hội một hình ảnh chẳng giống ai và thể hiện ca khúc nhảm nhí, nhưng lại vỗ ngực tự xưng là “Lady Gaga Việt Nam”.

Tất nhiên, với sự lan truyền nhanh đến chóng mặt của mạng internet, những “thảm họa” ấy vô tình đã được cổ súy, cho dù ai xem nó cũng nhăn mặt, lắc đầu. Sự lệch hướng trong thẩm mỹ âm nhạc của người trẻ đã được báo động từ nhiều năm nay, nhưng có lẽ với “tốc độ” thông tin hiện nay sự lệch hướng này vẫn chưa có điểm dừng.

Giáo dục và truyền thông tiếp tay cho “thảm họa”?

Tại sao “thảm họa âm nhạc” dù vẫn bị phê phán là “quái thai” là lệch lạc nhưng nó vẫn tồn tại được trong đời sống âm nhạc, vẫn được một số bộ phận giới trẻ hưởng ứng? Và thực tế, những ca khúc kém chất lượng này đang chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong đời sống âm nhạc nước nhà.

Cội nguồn của mọi vấn đề có lẽ vẫn là quy luật xoay vòng “có cung thì ắt có cầu”. Vì vẫn có một bộ phận công chúng với thẩm mỹ kém do không được định hướng âm nhạc đúng đắn ngay từ đầu, nên những “thảm họa âm nhạc” vẫn có chỗ để thâm nhập và được cổ súy. Theo bà Minh Châu (Viện Âm nhạc), môi trường giáo dục nền tảng âm nhạc cho giới trẻ còn kém: “Ở trường tiểu học, các em thiếu nhi cũng được học nốt nhạc, nhưng chỉ cần đọc làu như vẹt thôi chứ làm sao nhớ nổi mặt nốt để tự xướng âm, thành ra thật lòng mà nói thì bé vẫn hoàn toàn mù nhạc”.

Chương trình "Giọng hát Việt" và nhiều sân chơi tìm kiếm tài năng khác bị chỉ trích là tìm kiếm giọng hát kiểu "ăn sổi" và chưa làm tốt vai trò định hướng thẩm mỹ cho công chúng


Bà Minh Châu cũng nhận định, các tài năng âm nhạc trẻ hiện nay đang trở thành nạn nhân của người lớn với mục đích kiếm lời và kiếm danh. Trong các chương trình truyền hình, đặc biệt là sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế mang danh tìm kiếm tài năng, tìm kiếm giọng hát hay đã khuyến khích các em được ăn mặc, trang điểm, liếc mắt và hát những ca khúc chẳng khác gì ca sĩ thị trường. Nhiều em bé còn được người lớn cổ vũ hát những bài hát sướt mướt lời yêu đương gian dối, giận hờn. Với một tâm hồn non nớt được tiêm nhiễm những thứ văn hóa kiểu “ăn sổi” thị trường thì đương nhiên, lớn lên các em sẽ trở thành những khán giả cổ súy cho nhạc thị trường, kém chất lượng.

Cũng lên án các chương trình truyền hình thực tế đang “chiếm sóng” truyền hình, nhạc sĩ Doãn Nho đã “chỉ mặt điểm tên” hẳn chương trình “Giọng hát Việt” đang “tạo sóng” dư luận trong thời gian qua. Theo nhạc sĩ, chương trình “Giọng hát Việt” chưa đi đúng hướng khiến khán thính giả nghĩ rằng đây là chương trình sính ngoại, đáng lý phải theo hướng Việt hóa những tinh hoa của nền văn hóa âm nhạc nước ngoài thì lại “hóa thân” theo thẩm mỹ của người nước ngoài. Trước đó, nhạc sĩ Dương Thụ trong một lần trò chuyện cũng cho rằng, những chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình hiện nay vẫn đang thực hiện theo kiểu “ăn sổi”, và nếu không khéo sẽ làm hỏng một thế hệ công chúng với định hướng lệch.

* Giải pháp phải đồng bộ

Tìm giải pháp cho nhạc trẻ để làm trong sạch thị trường âm nhạc Việt Nam có lẽ đã được giới nhạc sĩ, phê bình âm nhạc bàn luận trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm trước đó. Trước “cơn lốc” showbiz với nhiều “con sâu” đang tung mọi “chiêu trò” để nổi tiếng thì những giải pháp hiện nay có lẽ tập trung nhiều vào việc định hướng cho người nghe và các nhà quản lý nên mạnh tay hơn trong các chế tài xử lý.

Cần nhiều nghệ sĩ có "tâm" với nghề hơn nữa


Việc ra chỉ thị cấm hát nhép, mặc phản cảm của Bộ VHTT&DL rõ ràng đã có hiệu lực nhất định trong việc quản lý hoạt động biểu diễn, khiến cho các ca sĩ thận trọng hơn trong việc xuất hiện trước công chúng. Gần đây, một số giải thưởng âm nhạc cũng mạnh dạn “nói không” với những ca sĩ “dính scandal” cho thấy nỗ lực định hướng công chúng của những đơn vị có “tâm”.

Với giới nhạc sĩ, việc tiếp cận với khán giả trẻ hiện nay chính là việc sáng tác những ca khúc mang âm hưởng đương đại. Theo TS Trịnh Hòai Thu, những tác phẩm âm nhạc cổ điển hoàn toàn có thể chinh phục khán giả trẻ bằng cách được phối lại với một phong cách trẻ trung của pop, roc, jazz… Thậm chí, theo nhạc sĩ Hoàng Lân và Nguyễn Lân Cường, giới trẻ hiện nay được học tiếng Anh từ nhỏ, thích văn hóa phương Tây vì thế nên khuyến khích các sáng tác Việt Nam viết lời bằng tiếng Anh.

“Thảm họa” nhạc trẻ vẫn tồn tại trong đời sống âm nhạc. Chúng ta chưa thể hy vọng nó sẽ mất đi hoàn toàn, nhưng có thể với nỗ lực của từng cá nhân, các ngành liên quan và cơ quan quản lý… những “thảm họa” này sẽ bị lu mờ bởi giá trị thật sự của văn hóa cội nguồn.

Hoàng Quyên