Chúng tôi coi nơi nghiên cứu như một ngôi nhà

Giáo dục - Ngày đăng : 06:50, 18/12/2012

(HNM) - Đằng sau vẻ ngoài tươi tắn, xinh đẹp và hiện đại của một cô gái thế hệ 8x, Phó Giáo sư trẻ nhất năm 2012, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Diệu Hồng, hiện công tác tại Viện kỹ thuật Hóa, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vẫn không thể lẫn đi đâu phong cách của một người làm khoa học thực sự: nghiêm túc, kiên trì và đam mê.



Phó Giáo sư Nguyễn Khánh Diệu Hồng.

Là "cư dân" Bách khoa từ trong bụng mẹ, tân Phó Giáo sư Nguyễn Khánh Diệu Hồng đã gắn bó suốt tuổi thơ với ngôi trường nơi mẹ chị công tác, từ thuở mẫu giáo cho tới cấp 3 đều ở quanh khu tập thể của trường. Quãng thời gian học tại Trường THPT Thăng Long, Diệu Hồng ghi dấu ấn với thành tích học tập xuất sắc trong lớp chọn hóa, trong khi đó vẫn được chọn đi thi học sinh giỏi môn văn cấp thành phố, đoạt giải nhì môn tiếng Anh trong Festival học sinh, sinh viên ở Nam Phi năm lớp 10.

Trong thời gian học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Diệu Hồng bắt đầu những nghiên cứu khoa học đầu tiên. Nhóm nghiên cứu của chị đã chọn được nguồn nguyên liệu cao lanh chứa Zeolit tốt nhất tại Việt Nam và xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu chứa Zeolit với giá thành chỉ bằng một nửa so với nguyên liệu ngoại nhập. Thành công này đã giúp người nuôi trồng thủy sản có thể thay thế loại cao lanh giá cao, giảm thiểu nạn tôm, cá chết hàng loạt, hạn chế ô nhiễm môi trường. Sau đó, công nghệ này được chuyển giao sản xuất tại tỉnh Quảng Bình và Cần Thơ. Đây cũng là đề tài đoạt giải nhất "Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam" năm 2003 của Quỹ Vifotec và Huy chương vàng tại Hội chợ công nghệ Việt Nam cùng năm.

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2004 với danh hiệu Thủ khoa, Diệu Hồng "tiết kiệm" được 2 năm thời gian học Thạc sĩ vì được đặc cách đi học Tiến sĩ ở Trường ĐH University College London, Anh (trường ĐH xếp hạng thứ 4 thế giới). Chị hoàn thành bằng Tiến sĩ năm 26 tuổi với đề tài Vật liệu xúc tác nano.

Quãng thời gian học tập và nghiên cứu tại Anh, như Diệu Hồng chia sẻ, thực sự đã giúp chị trưởng thành rất nhiều, cả trong cuộc sống và công việc. Từ đây, chị ấp ủ ý tưởng về con đường nghiên cứu theo hướng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, để sau này về nước tập trung phát triển. Đây cũng là quãng thời gian chị nhận được Huy chương vàng quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới dành cho tài năng trẻ sáng tạo nhất. Tất nhiên, Diệu Hồng tâm sự, những gì chị gặt hái được là kết quả của cả một quá trình liên tục nỗ lực, phấn đấu. Bước chân vào môi trường xa lạ, áp lực lớn, rồi là người Việt Nam đầu tiên được nhận vào Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh, Diệu Hồng vẫn nhớ cảm giác thui thủi một mình mỗi khi ốm đau, áp lực đè nặng của chương trình học tập, nghiên cứu. May mắn, bên cạnh chị còn có những người bạn sẵn sàng đi cả giờ tàu để tới nấu cho chị bữa cơm ngày ốm, là nguồn động viên tiếp sức từ gia đình ở Việt Nam. Niềm đam mê hội họa cũng là phương thuốc hữu hiệu giúp chị vượt qua những lúc quá căng thẳng, nhớ nhà. Hồng tâm sự: Mình chỉ vẽ tranh trong lúc buồn chứ khi vui thì không thể kiên nhẫn ngồi vẽ.

Trở về Việt Nam, Diệu Hồng giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa (ĐH Bách khoa Hà Nội). Không khỏi có chút hụt hẫng vì thay đổi môi trường song Diệu Hồng cho biết: May mắn đây là môi trường mạnh về nghiên cứu khoa học và cũng có nhiều trang thiết bị. Tất nhiên, khó có trường nào có thể đủ thiết bị cần thiết, nhất là những thứ tinh vi, trị giá hàng trăm tỷ đồng. May mắn là trong cộng đồng nghiên cứu khoa học ở Hà Nội, khi cần, chị đều được tạo điều kiện tới đơn vị có thiết bị để được giúp đỡ. Đặc biệt, làm công tác nghiên cứu ở Việt Nam có nhóm đông đảo hơn, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên trong nhóm hơn, khác với ở Anh, thực hiện theo nhóm nhỏ, phải tự làm rất nhiều.

Hiện Diệu Hồng đang rất hứng khởi với hướng nghiên cứu gắn với nhiên liệu sinh học, thân thiện với môi trường như đã ấp ủ ban đầu, với những sản phẩm giải quyết các vấn đề môi trường như biodiesel chuyển hóa từ dầu ăn thải, chất tẩy rửa sinh học, dung môi sinh học... Điều khiến chị vui không kém là được làm việc với những đồng nghiệp, học trò cùng niềm đam mê để tạo nên một "văn hóa nghiên cứu" riêng: "Chúng tôi coi nơi học tập, nghiên cứu như một ngôi nhà, nơi mỗi người đều rèn cho mình những thói quen cần thiết của người làm nghiên cứu như tuân thủ, tiết kiệm, sạch sẽ, hỗ trợ lẫn nhau...".

Khi được nhắc tới viễn cảnh sẽ có một tân Giáo sư Diệu Hồng vào lúc nào đó, chị cho biết: Đó là điều cực kỳ khó khăn bởi đòi hỏi những nỗ lực ở mọi mặt và là một bước trưởng thành rất lớn về tri thức của bản thân chứ không chỉ là việc đạt được các tiêu chí đề ra. Không ai có thể nói lúc nào mình có thể đạt được chức danh Giáo sư hay Phó Giáo sư mà cứ phấn đấu thôi.

Còn về ngôi nhà riêng của mình, bà mẹ 31 tuổi bật mí, chị có một người chồng luôn ủng hộ mỗi bước tiến của vợ trong sự nghiệp, một cô con gái xinh xắn. Chị tự hào, con gái nhiều tháng liền được nuôi toàn bằng sữa mẹ, giờ vẫn đang được mẹ chăm ăn mỗi ngày...

Quỳnh Phạm