Mùa đông ấm với học sinh vùng cao Bum Tở
Giáo dục - Ngày đăng : 18:37, 17/12/2012
Mùa đông này các em học sinh ở Bum Tở đã có khu nội trú khá khang trang |
Vượt qua chặng đường dài với những ổ gà, đá gộc lổn nhổn, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến Mường Tè, huyện tận cùng phía tây bắc của tổ quốc thuộc tỉnh Lai Châu, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và là vùng thượng lưu sông Đà. Từ trung tâm huyện, thêm một hành trình gần 20 cây số nữa, con đường dốc ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đến xã Bum Tở.
Đứng trước khu nội trú B Trường PTDT- THCS cụm xã Bum Tở, thầy Phó hiệu trưởng Chử Đức Tuấn chỉ ra phía trước giới thiệu với chúng tôi: “Cách đây chưa lâu, phía trước kia là những lán nhỏ, bố mẹ dựng lên cho con ở để đi học”. Đó là thời cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn. Giờ đây, tuy chưa được đủ đầy như trường lớp dưới xuôi, nhưng học sinh người dân tộc La Hủ ở xã Bum Tở đã có chỗ ở sạch sẽ ấm áp, không còn lo ngày nắng ngày mưa.
Trường có 11 lớp với 288 học sinh, thì 207 học sinh ở nội trú vì nhà các em đều ở xa. Có em nhà xa tới gần ba chục cây số, hoặc ở gần hơn 7 cây số nhưng điều kiện đi lại vô cùng khó khăn. Thầy Tuấn nói: “Thì đấy, trường toàn học sinh người La Hủ, có những bản cách trường đến 26km, địa hình hiểm trở, trước đây các em có muốn đi học cũng không đi nổi”. Tiếp lời thầy, em Ki Xả Cháy, học lớp 9, nhà ở bản Pa Thoong 1 cách trường chừng 15 cây số kể: Từ nhà em đến trường đi bộ mất một buổi, đường dốc lắm, rất khó đi. Thế mà còn chưa “ăn thua” gì so với đường về nhà bạn Vàng Da Hử ở bản Nậm Cấu, cách trường 19 cây số. Các bạn khác ở bản Huổi Han, Nậm Xả, Đầu Nậm Xả, Tả Phìn.. cũng vậy. Ở nội trú, không phải đi lại xa, có chế độ nhà nước cho tương đương với 40% lương cơ bản, Cháy, Hử và các bạn học người dân tộc La Hủ ở trường bám lớp chuyên cần hơn. Giờ chỉ khi nào nhà có có lễ thì các em mới nghỉ 1 – 2 ngày, sau đó lại tự nguyện đến lớp.
“Trường có 2 khu vực nhà bán trú. Khu A là công trình có được từ một dự án hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Canada nên còn được gọi là Dãy Canada. Khu A được xây theo kiểu nhà cấp 4 trên này, nên chỉ gọi là nhà bán kiên cố và đang được sử dụng làm chỗ ở cho các học sinh nữ. Còn khu B là khu mới xây dựng xong do VNPT hỗ trợ kinh phí có 8 phòng và được dùng làm nhà ở cho các học sinh nam. Có nhà ở kiên cố cho các em, thầy cô giáo chúng tôi nhẹ nhõm hẳn đi” - thầy Phó hiệu trưởng chia sẻ.
Vẫn còn khó khăn đấy, nhưng nằm gần UBND xã, cụm trường xã Bum Tở được đánh giá là khu vực “hiện đại” nhất ở xã này với những khu nhà kiên cố sơn ve màu vàng, có sân rộng tập thể dục, có nhà ăn, có tiếng trẻ ríu rít trong những căn phòng đủ chăn gối ấm áp. Ngày mùa đông lạnh giá ở vùng núi cao hàng ngàn mét so với mực nước biển này đã trở nên ấm áp đối với các em học sinh dân tộc La Hủ. Cách đó vài chục mét thôi, bản Phìn Khò là bản trung tâm xã cũng vẫn còn đầy nhà tranh vách nứa, đường đi lối lại ngổn ngang dù có đường bê tông to chạy ngang bản…
Bà Lò Thị Phượng, người phụ nữ Thái quê Mường Lay, hiện đang là Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, cơ quan thường trực Chương trình 30a của tỉnh, chia sẻ mong ước của chính quyền địa phương và cũng là mong ước của người La Hủ, là sau này chính người La Hủ sẽ tự điều hành bản làng mình, địa phương mình. Bà Phượng tin rằng ngày đó sẽ không còn xa, bởi Nhà nước và nhân dân Mường Tè, Lai Châu cùng nhân dân cả nước đang chung tay chia sẻ và tạo điều kiện tốt hơn cho con em La Hủ học tập, xây dựng tương lai và cho người La Hủ những nền tảng tốt hơn cho cuộc sống mới.
Mường Tè là huyện vùng sâu vùng xa biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu và cả nước nên sự đầu tư, quan tâm giúp đỡ của Nhà nước và các doanh nghiệp như Tập đoàn VNPT là hết sức cần thiết. Qua thực tế, các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện như những nhà bán trú dân nuôi được xây dựng tại các trường học đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện rất phấn khởi làm ăn, vươn lên thoát nghèo.