Cần cơ chế thống nhất về cung cấp thông tin cho báo chí
Chính trị - Ngày đăng : 14:23, 17/12/2012
áng 17/12, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh - thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Báo Hànộimới về tình hình thực hiện pháp luật về báo chí.
Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới Lê Tiến Dũng đã báo cáo với Đoàn tình hình thực hiện pháp luật về báo chí tại cơ quan Báo Hànộimới.
Theo ông Lê Tiến Dũng, là cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, trong suốt 55 năm xây dựng và phát triển, Báo Hànộimới đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội; phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; phê bình đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực; cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, Báo Hànộimới phát hành 4 ấn phẩm: Hànộimới hàng ngày, Hànộimới Cuối tuần, Hà Nội Ngày nay và Hànộimới Điện tử; với 205 cán bộ, phóng viên, nhân viên trong đó người có trình độ đại học chiếm 81%; trên đại học chiếm 5,3%; Đảng bộ Báo Hànộimới có 102 Đảng viên.
Từ năm 1998, Báo Hànộimới được Thường trực Thành ủy Hà Nội giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Do vậy, Báo Hànộimới ngoài việc nộp thuế Thu nhập doanh nhiệp 25% còn phải nộp ngân sách Đảng. Tuy vậy, trong thời gian vừa qua, mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn dẫn đến nguồn thu của báo từ hoạt động quảng cáo giảm, nhưng báo Hànộimới vẫn cố gắng cân đối thu, chi để đảm bảo hoạt động xuất bản cho tờ báo và ổn định đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên.
Về thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà báo quy định tại Luật Báo chí sửa đổi, Ban Biên tập Báo Hànộimới trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ này thành các Quy chế để tổ chức các phòng ban, giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo và phóng viên các phòng, ban; từng ấn phẩm báo chí một cách cụ thể, khoa học.
Về cung cấp thông tin cho báo chí, theo Báo Hànộimới, hoạt động này được Thành phố Hà Nội thực hiện khá tốt thông qua Giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì; Giao ban hàng tháng các cơ quan báo chí Thủ đô do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT, Hội Nhà báo thành phố thực hiện luân phiên tổ chức tại các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, Báo Hànộimới còn tiếp cận thông tin thông qua tác nghiệp của phóng viên theo các sự kiện tại cơ sở; qua người phát ngôn các cơ quan, đơn vị; qua hệ thống văn bản...
Từ thực tiễn hoạt động báo chí, Báo Hànộimới kiến nghị, nên cho Báo Hànộimới cơ chế chính sách tài chính đặc thù, phù hợp, giúp Báo vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa có điều kiện duy trì hoạt động và phát triển hơn nữa. Bởi như hiện nay, là một tờ báo chính trị, Báo dành rất nhiều diện tích để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực tuyên truyền khác, tức ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của cán bộ, phóng viên. Trong khi đó, Hànộimới lại là cơ quan báo chí hạch toán độc lập, nên khó khăn trong việc cân đối tuyên truyền và hoạt động kinh tế báo chí để có các nguồn thu cho hoạt động của báo và chăm lo đời sống người lao động.
Báo Hànộimới cũng đề nghị, do đặc thù của cơ quan báo chí nhiệm vụ chính là phục vụ công tác tuyên truyền đường lối chủ trương của đảng, pháp luật của Nhà nước, nên việc áp dụng thuế suất thuế TNDN là 25% bằng với các doanh nghiệp sản xuất vật chất là không hợp lý, do vậy đề xuất đối với cơ quan báo chí nhất là đối với cơ quan báo Đảng thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp là 10%. Đồng thời, do kinh phí đầu tư của Báo không được ngân sách nhà nước hỗ trợ, khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm nên được để lại đơn vị tái đầu tư tăng cường cơ sở vật chất; cho phép Báo Hànộimới được tự chủ về biên chế, lao động để bảo đảm nguồn nhân lực và cán bộ dự nguồn cho cơ quan…
Về cung cấp thông tin cho báo chí, Báo Hànộimới đề nghị thống nhất mô hình về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí từ Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể đến chính quyền các cấp. Cần có trường hợp đặc thù khi có các sự kiện quan trọng, vấn đề dư luận bức xúc...để cung cập thông tin cho báo chí thường xuyên theo thời gian, diễn biến của sự kiện. Có chế tài và chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho phép báo chí, nhà báo hóa trang tác nghiệp để thực hiện điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Cùng với đó, tăng chế tài và biện pháp bảo vệ nhà báo trong hoạt động tác nghiệp tại các vùng khó khăn, nguy hiểm, độc hại... Quốc hội cũng nên nghiên cứu đề xuất hình thức tôn vinh danh hiệu vinh dự nhà nước cho những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; sớm bổ sung thêm những văn bản, hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng trong lĩnh vực báo chí để có đầy đủ cơ sở pháp lý, chế tài trong công tác thực hiện thi đua, khen thưởng.
Đánh giá cao hoạt động của Báo Hànộimới trong thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh - thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, về mặt chính trị, Báo đã hoạt động rất chuẩn mực, luôn được sự tin cậy của các cơ quan Đảng, Nhà nước và là một trong bốn tờ báo lớn của cả nước có trách nhiệm truyền tải các nội dung chính trị, thời sự của đất nước. Đặc biệt, Báo Hànộimới cũng đã rất quan tâm tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp từ phía cơ quan Báo, ông Lê Như Tiến ủng hộ việc đề nghị Chính phủ có thông tư hướng dẫn riêng với một số nghề nghiệp đặc thù về quy định làm việc thêm giờ.
Về mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, ông Lê Như Tiến cho biết, các ban của Quốc hội đã đề nghị và thống nhất kiến nghị Quốc hội đưa về mức 10% đối với báo in, đây là một hình thức khuyến khích để báo chí phát triển.
Về các quy định tạo điều kiện cho báo chí, nhà báo tác nghiệp, ông Tiến thừa nhận, các quy định này Luật đã có tương đối đầy đủ, nhưng thực tế, một số cơ quan, đơn vị thực hiện không nghiêm túc và chưa có cơ quan, đơn vị nào bị phạt hay truy tố. Đoàn sẽ phản ánh các ý kiến này tới Quốc hội và Chính phủ để có biện pháp đảm bảo tính thực thi của pháp luật.